Ngày 19-12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Australia, Chương trình Aus4Reform tổ chức hội thảo công bố báo cáo mang tên: “Kinh doanh tại Việt Nam – Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ”. Đây có lẽ là báo cáo đầu tiên có quy mô về nữ doanh nhân.
Ở bàn chủ tọa có năm thành viên, trong đó có ba thành viên là phụ nữ. Trước khi phát biểu khai mạc, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nói vui: “Tôi kỳ vọng tất cả các hội nghị này đều có phụ nữ là chủ tọa, làm sao sau này mọi nơi đều thế!” Ông Lộc còn dẫn chứng hiện nay Quốc hội cũng có nữ chủ tịch, ông mong ngày càng có nhiều phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo, không chỉ trong giới doanh nhân.
Theo ông Lộc, tỉ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp là một trong các tiêu chí đánh giá thành tựu bình đẳng giới của một quốc gia.
Liên Hiệp Quốc đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó trao quyền năng và đảm bảo bình đẳng là mục tiêu quan trọng nhất. Tuy vậy, ông Lộc cho rằng nói “trao quyền cho phụ nữ” là không hợp lý lắm vì kinh doanh là quyền của mọi người, trong đó có phụ nữ.
“Theo tôi, phát huy vai trò của phụ nữ là động lực mới của nền kinh tế toàn cầu và cũng là nội hàm mới của các chính sách kinh tế mới của từng quốc gia. Nó bao hàm mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động kinh tế xã hội và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động lãnh đạo doanh nghiệp”, ông Lộc nói.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: Tăng tỉ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp như đề án của Thủ tướng đã phê duyệt là một thách thức cho Việt Nam. Ảnh: CHÂN LUẬN
Ông Lộc cũng cho rằng: “Tỉ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020 trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một thách thức lớn”.
Cũng vậy, theo Báo cáo Khoảng cách Thế giới Toàn cầu 2018 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố vào tháng 12-2017, Việt Nam đứng thứ 77 trong tổng số 149 quốc gia và vũng lãnh thổ được đánh giá, giảm tám bậc so với năm 2017. Xét ở khía cạnh cơ hội và sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, chỉ số về lãnh đạo phụ nữ đứng ở vị trí 94/149 với điểm số 0,374/1,0.
“Điều này cho thấy Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Trở lại vấn đề phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, ông Lộc nhận xét bản thân phụ nữ là hiện thân của bao dung. Và kinh tế thế giới cần động lực phát triển mới, cần năng lượng mới. Điều này tương tự như một người mỗi khi cần động lực bao giờ cũng trở về với mẹ, với gia đình và với những người phụ nữ.
Một cách ví von, ông Lộc cho rằng nền kinh tế lớn nhất trên thế giới là “nền kinh tế phụ nữ” chứ không phải là Trung Quốc hay Ấn Độ. Phụ nữ vừa là người tiêu dùng và là nhà sản xuất, nắm hầu bao gia đình nên muốn thúc đẩy sự phát triển thì phải phát huy vai trò của họ.
Ông Lộc tiếp tục nói vui: “Không phải chỉ riêng tôi đâu, mà nhiều người ở đây lương chuyển thẳng về cho vợ. Vì vợ là người quản lý, chi tiêu trong gia đình”.
Theo ông Lộc, ở Việt Nam, tỉ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo là khá lớn nên vấn đề bình quyền trong xã hội không phải vấn đề lớn. Tuy nhiên, phụ nữ tham gia lãnh đạo nền kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp lại là vấn đề. Dù vậy, tỉ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp của Việt Nam vẫn cao nhất Đông Nam Á.
Dẫn truyền thuyết về cuộc chia tay vĩ đại của Lạc Long Quân và Âu Cơ, ông Lộc cho rằng: “Hai tập đoàn đầu tiên của Việt Nam là Tập đoàn Lạc Long Quân và Tập đoàn Âu Cơ, trong đó Tập đoàn Âu Cơ là do phụ nữ làm chủ. Điều ấy là tuyên ngôn của Việt Nam về việc để phụ nữ tỏa sáng, trở thành cội nguồn thành công của đất nước này”.