Chủ tịch Vĩnh Long nói về việc vận động hỗ trợ người lao động xa quê

Ngày 2-8, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc vận động, quyên góp ủng hộ Quỹ hỗ trợ công dân Vĩnh Long ở TP.HCM và các tỉnh bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận và thống nhất chủ trương vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia đóng góp vào Quỹ hỗ trợ người dân Vĩnh Long ở TP.HCM và các tỉnh bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Cụ thể, đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có hệ số lương từ 4.0 trở lên ủng hộ 10 ngày lương. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có hệ số lương dưới 4.0 ủng hộ 05 ngày lương. Còn cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Y tế, Công an, Quân sự và Thanh tra giao thông trực tiếp tham gia phòng, chống dịch COVID-19 ủng hộ ít nhất 02 ngày lương.

Riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang gặp khó khăn, giao thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xem xét mức đóng góp cụ thể từng trường hợp.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ủy ban MTTQVN tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh thành lập các Tổ thực hiện tiếp nhận, quản lý nguồn kinh phí, hàng hóa đóng góp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân.

Đồng thời giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động xây dựng dự phòng kế hoạch đón công dân tỉnh Vĩnh Long đang cư trú trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành phố, sau khi kết thúc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16; nếu người dân tiếp tục gặp khó khăn và có nguyện vọng trở địa phương thì thực hiện đón rước về tỉnh.

Có một số ý kiến cho rằng việc tỉnh Vĩnh Long vận động quyên góp nhưng lại “áp đặt” mức hỗ trợ cụ thể cho từng trường hợp như trên là không phù hợp. Bởi, vận động thì tuỳ theo sự tự nguyện và khả năng của mỗi người, hoặc đặt ra một mức "sàn" làm khởi điểm, chứ không thể áp đặt. Ngoài ra, Luật Lao động quy định việc khẩu trừ lương nếu bắt buộc khấu trừ lương của người lao động, thì người sử dụng lao động cũng khấu trừ hàng tháng không quá 30% tiền lương tháng của người lao động. Ở đây vận động 10 ngày lương là là vượt quá 33% lương.

Về vấn đề trên, PV PLO liên hệ với Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời. Ông Ngời cho biết “Trong tình hình dịch COVID-19 như hiện nay tất cả mọi người đều gặp khó khăn, người khó khăn ít thì giúp đỡ người khó khăn nhiều. Với tinh thần tương thân tương ái thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và thống nhất vận động cán bộ, công viên chức quyên góp ngày lương. Còn 10 ngày, 5 ngày… như trên chỉ là mức vận động, còn ai ủng hộ bao nhiêu là trên tinh thần tự nguyện, trường hợp nào khó khăn thì thủ trưởng đơn vị đó xem xét giải quyết”.

Cạnh đó, trả lời PV về kế hoạch đón công dân từ TP.HCM và các tỉnh bị ảnh hưởng dịch COVID-19 về Vĩnh Long thì ông Ngời cho biết tỉnh đã tạm ngưng. “Tuy nhiên tỉnh vẫn phối hợp với các địa phương nắm tình hình nhu cầu nguyện vọng của bà con. Nếu bà con nào thật sự khó khăn và có nhu cầu cấp thiết vẫn muốn về quê thì tỉnh sẽ phối hợp tổ chức đón bà con về” – ông Ngời thông tin thêm.

Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã có kết luận về việc hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do dịch COVID-19. Mức hỗ trợ là 300.000 đồng/hộ được quy bằng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.