Tuần qua, sau các bài viết “Đằng sau việc Big C ngưng nhập hàng may mặc Việt”, “Chủ Big C cam kết nhận lại hàng dệt may Việt”, nhiều bạn đọc còn chia sẻ rằng họ sẽ luôn ủng hộ hàng Việt Nam (VN) và mong chất lượng của sản phẩm Việt ngày càng được nâng cao.
Không thể giải quyết bằng việc tẩy chay
Tối 2-7, trong thông báo gửi tới các đối tác cung cấp hàng may mặc, hệ thống siêu thị Big C VN, Central Group VN (đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C) nêu rõ: Kể từ tháng 7-2019, Central Group VN tạm ngừng đặt hàng của các nhà cung cấp theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa hai bên.
Tập đoàn này giải thích việc tạm ngừng đặt hàng là do có sự thay đổi chiến lược phát triển mô hình ngành hàng may mặc. Sau khi có sự vào cuộc của Bộ Công Thương, lãnh đạo Central Group cam kết sẽ mở lại đơn hàng cho 200 nhà cung cấp hàng dệt may của VN trong hai tuần tới.
“Lúc người Thái vào mua siêu thị, tôi đã biết trước có ngày này rồi...” - bạn đọc Sang nêu ý kiến.
Nhiều bạn đọc cho rằng ngay từ ngày đầu bước chân vào VN, đại diện Big C khẳng định ưu tiên dùng hàng Việt. Thế nhưng việc Big C tạm ngừng đặt hàng của các nhà cung cấp đã thể hiện việc thiếu tôn trọng đối tác VN, không giữ chữ tín.
Bạn đọc Văn Hùng bình luận: “Phải chăng Big C đã quên họ đang bán hàng trên đất nước chúng ta và người mua đa phần cũng là người của nước chúng ta. Thế nên việc Big C ngưng nhập hàng Việt mà không hề báo trước là không thể chấp nhận được. Làm ăn với nhau thì nên đặt chữ tín lên hàng đầu, đâu phải muốn cắt là cắt ngay được”.
“Người tiêu dùng sẽ cho Big C thấy được họ chỉ là khách, chúng ta - người Việt Nam mới là chủ nhà” - bạn đọc Nguyễn Sơn nêu ý kiến.
Những bài báo thu hút nhiều bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
Câu không rõ nghĩa nên ai hiểu sao thì hiểu
Các bài viết “Mở lon Việt Nam: Cáo buộc lệch lạc của nữ cục trưởng”,“Mở lon Việt Nam: Một cái bẫy rất đau!”… nhận được rất nhiều bình luận xoay quanh cụm từ “Mở lon Việt Nam” của Coca-Cola dùng để quảng cáo sản phẩm.
Để xử lý và chấn chỉnh hoạt động quảng cáo nêu trên, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các sở VH-TT&DL, VH&TT kiểm tra, rà soát hồ sơ, thông báo sản phẩm quảng cáo Coca-Cola đã tiếp nhận và yêu cầu chỉnh sửa cụm từ “Mở lon Việt Nam”. Một trong những lý do bị cấm cản là từ “lon” đứng một mình có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa và sẽ không trong sáng nếu có người bỏ dấu vào...
Bạn đọc Nguyễn Văn Hòa ủng hộ: “Tôi thấy bà cục trưởng nói hoàn toàn chính xác. Chỉ những người không biết gì mới phản đối. Lon thì phải đi với lon gì, chứ không thể nói là lon Việt Nam”.
Tuy nhiên, bạn đọc Nguyễn Thế Tân có bài viết phân tích cho rằng giải thích của cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở khi thêm dấu, thêm mũ rồi cho rằng câu khẩu hiệu phản cảm, mất thuần phong mỹ tục là không nên chút nào. Cục trưởng hãy cứ gọi thẳng tên rằng câu từ quảng cáo tối nghĩa, không rõ ràng để yêu cầu Coca-Cola chỉnh sửa lại cho rõ hơn; không việc gì phải thêm dấu, thêm mũ vào chữ lon rồi vô tình lại bị mắc bẫy. Một cái bẫy rất đau!
Rất nhiều bạn đọc ủng hộ ý kiến này của tác giả Nguyễn Thế Tân. Bạn đọc Công Quỳnh bày tỏ: “Quảng cáo như vậy không thể được, câu “Mở lon Việt Nam” khác gì đất nước Việt Nam chỉ như một cái lon, ai có tiền thì đều sở hữu à?”.
“Một nhãn hàng đa quốc gia mà chiến lược quảng cáo lại như vậy thì quá kỳ. Vị cục trưởng phát ngôn như vậy cảm thấy chưa xứng tầm” - bạn đọc Nguyễn Hương góp ý.
Phải chặn ngay kiểu làm ăn gian dối của Alibaba Bài viết “Thêm một dự án “ảo” Alibaba mang phong cách... Italia” đăng ngày 5-7 trên PLO cũng nhận được nhiều bình luận bức xúc kiểu làm ăn gian dối của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba. Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba đã tổ chức nhiều chuyến xe 54 chỗ đưa khách hàng đến tham quan dự án ma. Theo quảng cáo thì dự án Ali Venice City ở thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận là khu đô thị sinh thái có diện tích 197 ha và mỗi nền bán ra chỉ 120 triệu đồng, chia làm năm khu gồm: Diamond, Gold, Platinum từ 1 đến 3. Dự án này cũng được rao là mang phong cách Italia đầy lãng mạn, sổ đỏ pháp lý thổ cư từng nền. Tuy nhiên, ngày 5-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Hồ Thị Minh Tâm, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận, khẳng định trên địa bàn không có dự án nào có tên gọi là Ali Venice City như Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba quảng cáo, rao bán. - Tôi không hiểu các ngành chức năng quản lý kiểu gì mà để cho Công ty Alibaba làm mưa làm gió quảng cáo các dự án ảo để lừa gạt người dân thiếu hiểu biết, hám lợi. Chuyện này gây ra biết bao hệ lụy trong xã hội - Đức Mạnh - Vụ lừa bán dự án ma của Công ty Alibaba đầy trên các phương tiện truyền thông, vậy mà cũng còn rất nhiều người lao đầu vào, khó hiểu thật. Khó hiểu nhất là tại sao công ty này vẫn cứ tồn tại và bành trướng - Hiếu Hạnh - Đề nghị các ngành chức năng vào cuộc ngay, không thể để người dân cứ bị lừa hoài được. Cứ như vậy hoài, dân chẳng biết tin vào đâu - Hoàng Nguyễn |