“Dù gần đây có những vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe buýt nhưng hoạt động của xe buýt không gây bất ổn cho xã hội, bất an cho người dân TP” - ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, khẳng định tại cuộc trao đổi với báo giới sáng 21-3.
Xe buýt chen trong rừng xe máy
. Sở GTVT nhận định thế nào về những vụ TNGT có liên quan đến xe buýt?
+ Cần nhìn nhận thực tế: Giai đoạn 2002-2004, xe buýt của TP được đầu tư với khoảng 3.250 xe. Khi đó TP có khoảng 2 triệu xe máy, 66.000 ô tô. Đến cuối năm 2013, xe buýt còn 2.900 chiếc trong khi xe máy là 5,9 triệu (tăng gần ba lần), ô tô là 490.000 (tăng hơn bảy lần). Trong khi đó, diện tích, số kilomet đường không tăng lên bao nhiêu nên có thể nói xe buýt phải chen trong rừng xe máy, ô tô các loại. Vì thế va chạm, TNGT dễ xảy ra không chỉ với xe buýt mà với cả các loại xe khác.
. Có ý kiến cho rằng mật độ giao thông ngày càng dày đặc nhưng xe buýt quá lớn, choán đường nên mới dễ xảy ra tai nạn?
+ Trong giai đoạn 2002-2004, khi TP triển khai dự án thay mới 1.318 xe buýt thì trong cơ cấu số xe lớn 80 chỗ (dài 11 m) chiếm khoảng 50%. Vào thời điểm đó thì cơ cấu như vậy là phù hợp. Nhưng nay do lượng xe máy, ô tô tăng nhanh thì xe buýt đúng là trở thành vật cản trên đường phố.
. Tại sao TP không đưa các loại xe buýt nhỏ 12-16 chỗ thay thế các xe buýt lớn?
+ TP có đến 69% số tuyến đường rộng khoảng 7 m, phù hợp với loại xe 12-16 chỗ. Vài năm trước TP có xin Chính phủ cho chuyển sang loại xe buýt nhỏ nhưng đến nay các quy định hiện hành vẫn coi xe buýt là phải từ 17 chỗ trở lên. Nếu TP muốn đưa xe buýt nhỏ ra chạy thì phải chờ sửa đổi quy định.
Có trùng tuyến nhưng ít
. Xe buýt dễ va chạm với các loại xe khác có phần do nhiều xe cùng lúc chạy trùng trên một trục đường…
+ Vấn đề này là có, nhất là trên các tuyến cửa ngõ vào ra trung tâm TP, trước các bến xe, nhà ga xe buýt hoặc trên các tuyến đường một chiều. Nhưng nhìn tổng thể 145 tuyến xe buýt thì mức độ trùng lắp ở một số tuyến là trong mức cho phép. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khảo sát thường xuyên diễn biến, mật độ lưu thông để có sự điều chỉnh thích hợp.
. Xe buýt phóng nhanh, giành đường, dừng đón không đúng quy định… có phải do lái xe bị áp lực từ cơ quan quản lý, chủ doanh nghiệp?
+ Không có chuyện cơ quan quản lý gây áp lực lên lái xe. Nếu xe về tới bến cuối trễ mà do đường đông, ùn tắc thì lái xe không bị phạt. Các lái xe có những vi phạm như báo chí nêu chỉ là số nhỏ và chúng tôi đã xử nghiêm.
Để giám sát lái xe buýt, Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng có đội kiểm tra 20 người thường xuyên có mặt ở các ngã tư, điểm đen, trạm dừng, nhà chờ… để ghi hình các trường hợp vi phạm. Ngay cả hình ảnh do báo chí, người dân cung cấp cũng được chúng tôi sử dụng để phạt nguội lái xe vi phạm.
. Hiện các xe buýt đều được lắp hộp đen, tại sao lại không gắn thêm camera để giám sát, nhắc nhở lái xe đi đúng làn, dừng đúng chỗ?
+ Hiện mới chỉ một số xe của Công ty Xe khách Sài Gòn (Saigon Bus) có gắn camera phía trước, trong xe và bên hông để công ty hoặc trung tâm có thể giám sát, nhắc nhở kịp thời lái xe. Chúng tôi rất muốn áp dụng công nghệ này vào quản lý nhưng phải có… tiền.
. Hà Nội đã thông báo sẽ tăng giá vé xe buýt, còn TP.HCM?
+ Giá vé xe buýt ở TP.HCM sẽ không tăng trong năm 2014.
. Xin cảm ơn ông.
LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN