“Dù cho hoạt động nào diễn ra tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri vài ngày tới, dù dùng chất nổ để đánh sập bãi thử hay bịt kín các đường hầm, chứng cứ về chương trình hạt nhân Triều Tiên vẫn còn đó” - chuyên gia Frank Pabian với 45 năm kinh nghiệm về phi hạt nhân viết trong bài bình luận trên trang 38 North.
Theo ông, các tổ chức như Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) nếu có cơ hội khảo sát hiện trường trong tương lai thì sẽ có công cụ để tiến hành công tác khoan trở lại những hố hốc tại bãi thử nhằm xác định thành phần vật liệu được dùng trong mỗi thiết bị mà Triều Tiên cho thử nghiệm. Những hố hốc và vũng nước không hoàn toàn bốc hơi nếu trộn lẫn với đống gạch đá.
Ảnh vệ tinh bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Ảnh: AP
Chuyên gia của 38 North thêm rằng dữ liệu nghiên cứu khoa học có thể được chuyển giao, lưu trữ và phân tích ngoại vi sau mỗi vụ thử. Dữ liệu này nếu không bị thủ tiêu trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ như một số báo cáo nói, có thể đã được chia sẻ cho các chuyên gia CTBTO nếu trước đó từng có khảo sát hiện trường. Đài CNN của Mỹ trước đó dẫn ý kiến một số chuyên gia cho rằng việc Triều Tiên đánh sập bãi thử Punggye-ri chỉ nhằm thủ tiêu chứng cứ vốn có thể giúp thế giới hiểu về lịch sử chương trình hạt nhân Triều Tiên, cũng như loại vũ khí nào đã được đem ra thử nghiệm.
Ngày 24-5, Triều Tiên tuyên bố đã phá hủy hoàn toàn bãi thử hạt nhân Punggye-ri trước sự chứng kiến của 30 PV nước ngoài.