PV Will Ripley của đài CNN (Mỹ) có mặt tại vùng núi hẻo lánh ở phía Bắc nước này đã chứng kiến vụ nổ tại các đường hầm hạt nhân 2, 3 và 4 từ các trạm quan sát cách đó 500 m.
“Chúng tôi có mặt tại hiện trường khoảng 10 giờ đồng hồ” - PV Will Ripley trả lời qua điện thoại trên một toa tàu lửa trong hành trình trở lại TP biển Wonsan kéo dài 12 giờ đồng hồ từ bãi thử.
PV Will Ripley của đài CNN (Mỹ). Ảnh: YOUTUBE
Trước khi Triều Tiên kích nổ các đường hầm, các nhà báo quốc tế cho hay họ được mời tới xem các chất nổ được bố trí dưới đường hầm rồi sau đó mới di chuyển sang vị trí an toàn để chứng kiến vụ nổ.
“Họ đưa chúng tôi tới ba trong số bốn đường hầm tại bãi thử. Họ cho phép chúng tôi mở cửa đường hầm, nhìn sâu trong đó, chúng tôi hoàn toàn không được phép bước vào đó. Theo những gì chúng tôi có thể nhìn thấy được, các đường hầm được bố trí các chất nổ" - Ripley thuật lại.
Số lượng và loại chất nổ được sử dụng không được chính phủ Triều Tiên tiết lộ. Các nhà báo của CNN chứng kiến sự kiện kể rằng họ thấy chất nổ có kích thước và hình dạng của “một quả bóng” được gắn chặt với nhau, có thể nhìn thấy được ở khoảng cách 35 m bên trong đường hầm.
Sau khi các nhà báo theo dõi vụ nổ diễn ra thành công, họ được phép tiến lại gần để thị sát hiện trường sau vụ nổ. Từng đường hầm sụp xuống và lối đi vào bị chặn lại bởi đống đổ nát.
Ảnh vệ tinh bãi thử hạt nhân Punggye-ri ngày 23-5. Ảnh: CNN
Theo Ripley, không có chuyên gia quốc tế nào có mặt trong nhóm PV nước ngoài được Triều Tiên mời tới, cũng không ai có mặt để có thể đánh giá xem liệu vụ nổ có đủ mạnh để phá hủy các đường hầm hay không.
Triều Tiên đã tiến hành sáu vụ thử hạt nhân, lần gần đây nhất là tháng 9-2017 cũng là lần mạnh nhất, tại bãi thử Punggye-ri dưới chân ngọn núi Mantap.
“Họ cho chúng tôi thấy thêm hai đường hầm mà họ chưa từng sử dụng trước đó. Điều này, người Triều Tiên nói, là bằng chứng cho cam kết về tính minh bạch trong giải trừ hạt nhân trước hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim dự kiến diễn ra ở Singapore vào ngày 12-6” - PV Ripley nói.