Chuỗi tăng lãi suất sắp dừng lại và quay đầu?

(PLO)- Việc loạt ngân hàng trung ương gần đây quyết định giữ nguyên lãi suất là dấu hiệu cho thấy chuỗi tăng lãi suất sắp dừng lại, theo giới quan sát.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong các cuộc họp chính sách hồi tháng 9, các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) và Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) đều quyết định giữ nguyên mức lãi suất.

Điều này khiến giới quan sát tin rằng khả năng cao chuỗi tăng lãi suất đang dần bước vào giai đoạn kết thúc, theo tờ Financial Times.

Giới quan sát nhận định sau khoảng thời gian dài tăng lãi suất để chống lạm phát, các ngân hàng trung ương đã đạt được một số kết quả khả quan như giảm đáng kể lạm phát ở hầu hết nền kinh tế, giá cả thị trường dần ổn định...

Theo đó, giới quan sát dự đoán rằng khả năng cao các ngân hàng trung ương sẽ không tăng lãi suất tại các cuộc họp chính sách tháng 10 (dự kiến diễn ra đồng loạt vào cuối tháng), đồng thời sẽ sớm ngừng chính sách tăng lãi suất vì cho rằng tiếp tục làm điều này sẽ gây áp lực lên thị trường tài chính và ảnh hưởng việc phát triển của doanh nghiệp.

Lý do nào loạt ngân hàng lớn không tăng thêm lãi suất?

Tháng trước, Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell cho rằng với đà tăng trưởng ổn định từ các nền kinh tế lớn, các ngân hàng trung ương cần giữ nguyên mức lãi suất hiện tại trong thời gian dài hơn để có thêm thời gian đánh giá độ ảnh hưởng của lãi suất tới thị trường tài chính và đà tăng trưởng kinh tế.

“Để tránh các tác động tiêu cực của lãi suất tới nền kinh tế, các ngân hàng trung ương có thể xem xét nới lỏng mục tiêu lạm phát từ 2% lên mức 3%” - chuyên gia Adam Posen thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Anh) đề xuất.

Financial Times dẫn lời nhiều quan chức BoE rằng ở Anh, việc duy trì mức lãi suất hiện tại (5,25%) là cần thiết. Theo các quan chức này, để đẩy lùi lạm phát, thay vì tiếp tục tăng lãi suất, BoE sẽ dừng chu kỳ thắt chặt cho đến khi cuộc chiến chống lạm phát đạt được những tiến bộ nhất định.

Hơi khác việc phần lớn các ngân hàng trung ương đồng loạt giữ nguyên mức lãi suất hồi tháng 9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 15-9 quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% (nâng tổng mức lãi suất tại khu vực đồng tiền chung châu Âu - eurozone lên 4,5%). Tuy nhiên, ECB cũng phát tín hiệu sẽ ngừng tăng lãi suất trong thời gian tới.

“Lạm phát khu vực eurozone giảm đáng kể trong những tháng gần đây. Đó là tín hiệu cho thấy mức lãi suất hiện tại là phù hợp và nếu nó được áp dụng trong thời gian đủ dài ,chúng ta có thể sẽ thành công trong việc kiểm soát lạm phát và đưa nó về mức 2%” - ông Philip Lane, chuyên gia kinh tế tại ECB, nhận định.

Ông Richard Clarida từng giữ chức phó chủ tịch Fed, hiện làm việc tại Công ty quản lý đầu tư trái phiếu PIMCO (bang California, Mỹ) cho rằng động thái giữ nguyên mức lãi suất của các ngân hàng trung ương cho thấy họ cần thời gian đánh giá tác động sâu rộng của lãi suất tới nền kinh tế.

“Các ngân hàng trung ương lớn như Fed, ECB, BoE sẽ phụ thuộc vào dữ liệu giá cả thị trường và đà tăng trưởng kinh tế để đưa ra các quyết định tiếp theo. Nếu giá cả thị trường và đà tăng trưởng kinh tế cùng ổn định, nhiều khả năng các ngân hàng trung ương sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, đồng thời bắt đầu chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm sau” - ông Clarida nhận định.

Anh bai chinh P16 dang 25-10-2023.png
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở thủ đô Washington, D.C. (Mỹ). Ảnh: REUTERS

Liệu đã tới lúc giảm lãi suất?

Đa số ngân hàng trên đều nhấn mạnh đến việc lạm phát ở hầu hết các nước phương Tây có xu hướng giảm và cần giữ bình tĩnh với chính sách tiền tệ để tránh gây áp lực cho thị trường tài chính nói riêng và kinh tế thế giới nói chung, theo Financial Times.

“Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đã hoạt động hiệu quả trong nỗ lực kìm hãm lạm phát. Nay lạm phát đã giảm, khả năng cao các ngân hàng sẽ sớm tiến tới một quyết định quan trọng - kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và bắt đầu giai đoạn nới lỏng tiền tệ” - bà Jennifer McKeown, chuyên gia kinh tế tại Công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics (Anh), nhận định.

Bà McKeown còn dự đoán khả năng cao 30 ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối quý IV-2023.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế của Financial Times cho rằng các ngân hàng trung ương vẫn chưa sẵn sàng tính chuyện cắt giảm lãi suất vì họ cần thêm nhiều dữ liệu để chắc chắn rằng việc thay đổi chính sách lãi suất sẽ không ảnh hưởng xấu tới đà tăng trưởng kinh tế.

Cùng ý kiến trên, bà Monica Defend, người đứng đầu Viện Nghiên cứu kinh tế Amundi (Pháp), cho rằng để tính tới chuyện giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương cần các dữ liệu cho thấy lạm phát giảm mạnh ở nhiều khu vực. Bên cạnh đó, các yếu tố như tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỉ lệ thất nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng tới quyết định các ngân hàng trung ương.•

Các nước phát triển chống lạm phát tới đâu?

Nhìn chung, tỉ lệ lạm phát ở các nước phát triển đang tiếp tục xu hướng giảm nhưng vẫn còn cao hơn mục tiêu 2% mà các ngân hàng trung ương đề ra.

Theo tờ The Guardian, lạm phát lõi (không tính năng lượng và lương thực) tại Mỹ trong tháng 9 là 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,2% so với tháng 8. Giới quan sát cho rằng Fed vẫn có khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa vào cuối năm nay nếu thị trường có “nhiều biến động”.

Theo đài CNBC, tại khu vực eurozone, tỉ lệ lạm phát trong tháng 9 là 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,9% so với tháng 8. Giải thích nguyên nhân lạm phát giảm nhanh, ông Robert Holzmann, thành viên HĐQT ECB, nhận định giá lương thực và năng lượng ổn định đã giúp lạm phát của khu vực giảm nhanh.

So với cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ lạm phát ở Anh trong tháng 9 là 6,7% (tăng 0,5% so với tháng 8). Theo ông Raoul Ruparel, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Boston (Anh), tốc độ kìm hãm lạm phát ở Anh diễn ra khá chậm nhưng mức lãi suất hiện tại của Anh (5,25%) là hoàn toàn phù hợp với đà kìm hãm lạm phát tại nước này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm