Nhưng không, cho đến hơn nửa thế kỷ sau, lời than thở này vẫn là lời thở than nhưng không chỉ cho đất Thần Kinh mà còn cho một dải đất rộng lớn của miền Trung. Và không chỉ là lụt mà là lũ với quy mô lớn và rộng. Không chỉ là trời hành mà còn do sự tiếp tay của một số ít người phá hoại vì lợi ích riêng!
Người Sài Gòn-TP.HCM trong những ngày qua đã cùng chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, tivi, báo chí. Oán trách và căm phẫn với những kẻ góp phần làm cho người dân vùng lũ - thay vì khốn khổ một lại trở nên khổ hai, ba. Nhưng ngay sau đó, tấm lòng ngọt bùi, chia sẻ như là một truyền thống nghĩa tình có từ xưa, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” chứ không hề với một động cơ nào đã tự động kêu gọi trên Facebook cá nhân và đã thu được những số tiền đóng góp lớn như MC Phan Anh nhận được khoảng 16 tỉ đồng, đến ngày 19-10 nhà văn Nguyễn Đông Thức đã nhận 170 triệu đồng (số tròn), nhà thơ ĐỗTrung Quân nhận được cả trăm triệu đồng do bạn bè trên Facebook các anh gửi đến.
Khi viết quyển Mùa hè năm Petrus,tôi có chép lại tấm lòng của học sinh Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong, ảnh) trong việc giúp đỡ đồng bào miền Trung bão lụt.
Những người bạn đóng góp cho những Facebook cá nhân thường là những “lá lành”, đôi khi cũng là“lá ngọc cành vàng”. Và những “lá rách” Sài Gòn không phải không có tấm lòng “đùm lá nát”. Những đồng tiền lẻ, nhàu nát, bốc mùi mồ hôi lao động từ những ống heo, chiếc túi áo cài ba, bốn lớp kim băng gửi đến báo hay tự tay bỏ vào thùng cứu trợ do Hội Chữ Thập đỏ TP.HCM đặt ở ngã tư đường. BS Lê Quang Ninh, Chủ tịch hội, đã cho biết: “Tôi không kìm được xúc động khi thấy một chị công nhân đổ rác ghé lại ủng hộ, những em học sinh nhỏ nhờ cha mẹ chở đến, một chị đi xe lăn cố leo lên vỉa hè để rút tiền ra cho vào thùng quyên góp. Xe buýt dừng đèn đỏ, những hành khách cũng kịp cầm tờ tiền huơ huơ ra cửa xe để nhân viên hội chạy đến tiếp nhận”.
Tấm lòng chia sẻ ngọt bùi này người Sài Gòn đã có từ lâu lắm rồi. Có khi nào thì tôi chẳng biết. Khi viết quyển Mùa hè năm Petrus, tôi có chép lại tấm lòng của học sinh Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong) trong việc giúp đỡ đồng bào miền Trung bão lụt, xin trích lược một vài đoạn nhỏ.
“Gần tết năm ngoái. Tết thì tết, trời cũng chẳng thương dân miền Trung. Ông làm một trận bão xứng đáng với cái tên là bão. Sau đó đi kèm với thằng bão là thằng lụt. Lụt cũng chẳng kém bão để xứng đáng là cặp đôi hoàn hảo. Dân tình Sài Gòn xót xa cho dân miền Trung tết gần đến mà còn bị trời hành bèn tổ chức quyên góp. Ngoài xã hội, mọi tầng lớp đồng bào nghĩ về đồng bào bão lụt miền Trung thế nào thì trong các lớp học của Trường Petrus cũng như thế ấy. Theo lời kêu gọi của ban đại diện học sinh trường, các lớp tự quyên tiền cứu trợ. Còn ban đại diện trường sẽ tổ chức từng toán học sinh ôm thùng lạc quyên đi vòng vòng khu trung tâm Sài Gòn, từ rạp Rex xuống công trường Quách Thị Trang. Trong mùa cứu trợ, vào những buổi sáng Chủ nhật, những người bát phố Bô-na hay lang thang ở những quán Cái chùa, Givral đều thấy những em học sinh quần xanh, áo trắng, túi áo gắn phù hiệu Petrus Ký, vai đeo một cái thùng giấy tổ bố được ghi dòng chữ “Lạc quyên cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung”. Mà không chỉ có học sinh Petrus Ký thôi đâu, nữ học sinh các trường Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt… với những chiếc áo dài thướt tha đứng giữa hè phố đông đúc để lạc quyên cứu trợ cho đồng bào mình”…
Biết đâu những chàng, những nàng học sinh ngày ấy chẳng là những người đang đến các tổ chức từ thiện, các thùng lạc quyên để tiếp tục đóng góp cho núm ruột miền Trung của mình hôm nay…