Cuối tháng 3-2016, anh Ngô Minh Uy, đại diện Quỹ Tài năng trẻ tại miền Nam, đã phải nhập BV Chợ Rẫy với tình trạng suy thận mạn giai đoạn cuối. Cuối tháng 4, anh xuất viện và đến nay mỗi tuần anh đều phải vào bệnh viện để lọc thận nhân tạo ba lần, mỗi lần kéo dài khoảng bốn tiếng đồng hồ.
Vòng tròn kết nối
Mẹ anh Uy là người có thận và sức khỏe phù hợp nên đã đồng ý ghép thận cho anh. Hơn một tháng nay, bà đã xuống chăm sóc anh, làm thủ tục xét nghiệm để tiến hành ghép thận ngay khi có thể.
Để chuẩn bị cho cuộc giải phẫu này, bệnh viện sẽ thực hiện liệu trình điều trị ít nhất là hai tháng song song giữa anh và mẹ. Trong thời gian đó, anh Uy vẫn phải tiếp tục lọc thận nhân tạo. Tổng chi phí cho việc lọc thận, điều trị song song, giải phẫu và thuốc men hậu phẫu dự kiến khoảng 530 triệu đồng. Chi phí này vượt quá khả năng tài chính của anh Uy cùng gia đình. Từ ngày nhập viện đến nay, anh đã ngưng mọi công việc.
Bạn bè cùng đồng nghiệp đã bàn cách để giúp đỡ anh Uy thông qua việc lập quỹ, kêu gọi ủng hộ tiền. Anh Uy kể ban đầu mọi người ngại nói với anh vì sợ anh tự ái. “Mình bị bệnh mà có mọi người chung tay giúp đỡ, cùng đồng hành thì còn gì hơn. Các bạn lo lắng cho mình mới đưa ra ý tưởng như vậy. Mình đồng ý, các bạn rất vui và từ đó quỹ ra đời” - anh Uy nói.
Anh Lê Nguyên Phương, Chủ tịch Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường thế giới CASP-I, hiện ở California, đã đứng ra kêu gọi bạn bè, các giáo sư từng dẫn dắt anh Uy trong những năm tháng du học ở Thái cùng quyên góp. Những người bạn, thầy cô ở Trường ĐH Assumption Thailand tổ chức gây quỹ ở Thái Lan và chuyển trực tiếp về quỹ ở Việt Nam. Các sinh viên Việt Nam từ Nam ra Bắc từng làm việc với anh, chỉ một vài lần đến nghe anh nói chuyện trong các hội thảo nhưng đã cùng đứng ra giúp đỡ.
Bạn Lưu Tú Anh (sinh viên khoa Tâm lý học Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM, một trong những sinh viên cùng đứng ra xây dựng quỹ) chia sẻ: “Mình biết anh Uy qua một vài lần tham gia các hội thảo do anh tổ chức. Khi nghe mọi người lập quỹ để ủng hộ anh, mình rất muốn tham gia. Anh Uy là một người quá tâm huyết với nghề, có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Mình mong anh Uy có thể khỏe mạnh trở lại để bắt đầu công việc thường ngày mà anh đã từng làm, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội”.
Bạn bè, đồng nghiệp đến thăm hỏi, động viên tinh thần anh Uy (bìa trái). Ảnh: NVCC
Hơn cả bạc tiền
Anh Uy cho biết “Quỹ bạn của Uy” giúp anh cảm nhận rõ hơn tình cảm mà mọi người dành cho mình, tiếp thêm sức mạnh để anh chiến đấu với căn bệnh. “Từ ngày quỹ được lập ra, cái mình nhận được nhiều nhất từ cuộc sống là sự kết nối giữa mọi người với nhau để cùng giúp đỡ cho mình. Nó còn quan trọng với mình hơn là tiền bạc” - anh Uy xúc động.
Anh kể có những cựu sinh viên ở Hà Nội mà anh từng làm chung khi còn công tác, biết anh bị bệnh đã chạy đến gửi tặng anh 100.000 đồng và bảo: “Em chỉ có thế này thôi”. “Chỉ nhiêu đó thôi nhưng mình lại thấy thật quý vì đó mới chính là sự chia sẻ, bạn đã không ngần ngại mang số tiền đó đến cho mình” - anh Uy nói.
Ngày 19-6, Hội quán Các bà mẹ cũng đã tổ chức buổi bán hàng, đấu giá áo dài để gây quỹ cho anh. Từng tham gia khóa học ngắn ngày về tâm lý học đường do anh Uy đứng lớp, từng cộng tác với nhau trong vài hoạt động liên quan đến giáo dục gia đình…, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ) chia sẻ: “Tôi quý Uy ở sự chính trực, cách làm việc khoa học và nhiệt huyết đối với nghề. Năm ngoái chúng tôi còn hẹn nhau sẽ cùng thực hiện chương trình phổ biến rộng rãi trong cộng đồng về bệnh trầm cảm nhưng giờ đã nhận tin Uy bị bệnh nặng. Tôi muốn làm gì đó để giúp Uy nên mới gây quỹ thông qua việc bán hàng này”.
Tại buổi bán hàng, em Lưu Trung Tiến (học lớp 6, mắc bệnh suy thận giai đoạn 2) đã cùng mẹ bán bánh tráng do mẹ tự làm ra. Cuối buổi, Tiến quyên góp toàn bộ số tiền cả vốn lẫn lời mình bán được vào quỹ. “Con cũng đang bị bệnh như chú Uy vậy nhưng chú Uy bị nặng hơn nên con muốn ủng hộ chú để chữa lành bệnh” - Tiến nói.
Tôi biết đến Uy từ năm 2007 khi tìm đọc một bài tham luận hội thảo ký tên Ngô Minh Uy, đề cập đến việc ngành tham vấn trong trường học đã xuất hiện ở miền Nam trước 1975 tại một số trường trung học và đại học. Tôi đã cố gắng tìm cách liên lạc với Uy để làm quen với một người có tâm. Khi gặp Uy, tôi biết Uy không chỉ là một người tôn trọng sự thật của quá khứ mà còn có sự lạc quan, tin tưởng mãnh liệt vào tương lai, như cách mà Uy đã miệt mài với các hoạt động trong nhiều năm qua. Tình anh em như thế kéo dài gần 10 năm nay. Nghe tin Uy bị suy thận mạn và phải lọc thận, tôi thật buồn và biết đó không phải là biện pháp lâu dài. Tôi nghĩ mình cần làm gì đó để giúp Uy vượt qua căn bệnh này nên đã vận động bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô ở Mỹ đã từng làm chung để ủng hộ tinh thần cho Uy. Anh LÊ NGUYÊN PHƯƠNG, Chủ tịch Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường thế giới CASP-I Suốt 20 năm nay, kể từ ngày tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM, ThS Ngô Minh Uy đã hoạt động miệt mài và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực giáo dục và tâm lý. Anh từng giảng dạy tại các trường ĐH Văn Hiến, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH KHXH&NV TP.HCM, ĐH Hoa Sen. Anh sáng lập các trung tâm và phòng tham vấn, cũng như trung tâm WELink và Psych Café. Hiện anh là tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TP.HCM và cũng là đại diện Quỹ Tài năng trẻ tại miền Nam. |