Chuyên gia đề xuất tạm dừng dịch vụ lặn biển ở Nha Trang để bảo vệ rạn san hô

(PLO)- PGS Chu Hồi, chuyên gia về tài nguyên môi trường biển Việt Nam đề nghị nên tạm dừng dịch vụ lặn biển để phục hồi lại rạn san hô tại Hòn Mun (Nha Trang, Khánh Hòa).
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng ngày 12-6, bên thềm diễn đàn phát triển kinh tế biển bền vững năm 2022 tổ chức tại Phú Yên, PGS Chu Hồi, chuyên gia hàng đầu về tài nguyên môi trường biển Việt Nam đã trao đổi với báo chí về nguyên nhân khiến rạn san hô tại Hòn Mun (Nha Trang, Khánh Hòa) chết hàng loạt nơi đáy biển.

Ông cho hay khu bảo tồn Hòn Mun (sau này được mở rộng thành Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang) là một trong 3 khu bảo tồn biển tiêu biểu trên thế giới do các đặc trưng về đa dạng sinh học.

Đây cũng là một trong khu bảo tồn tài nguyên môi trường biển đầu tiên tại Việt Nam được quốc tế lựa chọn để bảo tồn. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, rạn san hô này đang bị suy giảm nghiêm trọng, xuất hiện hiện tượng gãy đổ, chết trắng đáy biển trong thời gian gần đây.

Hoạt động lặn biển không kiểm soát là một trong những nguyên nhân khiến rạn san hô tại Hòn Mun bị suy giảm nghiêm trọng. Ảnh MK

Hoạt động lặn biển không kiểm soát là một trong những nguyên nhân khiến rạn san hô tại Hòn Mun bị suy giảm nghiêm trọng. Ảnh MK

“Hiện tượng suy thoái rạn san hô Hòn Mun đã được cảnh báo vài năm trở lại đây. Đến nay, mức độ suy thoái lên tới 60-90%, thể hiện qua việc giảm độ phủ san hô, sự vỡ vụn của thành tố san hô trong rạn san hô và sự suy giảm các loài quý hiếm chỉ sống ở rạn san hô. Đây là con số rất đáng báo động!” – ông nói.

Theo ông, nguyên nhân khiến rạn san hô Hòn Mun suy thoái là do biến đổi của đại dương, làm tăng nền nhiệt, axit hóa đại dương dẫn đến hiện tượng trắng hóa san hô; sự ô nhiễm hữu cơ từ đất liền, còn do hoạt động du lịch, dịch vụ ven biển, đặc biệt là hoạt động lặn biển không được kiểm soát tốt.

“Từ năm 1995, Hòn Mun đã là điểm thi chụp ảnh dưới nước đầu tiên ở Việt Nam. Dịch vụ lặn cũng phát triển ở đây từ năm 1994. Việc phát triển thị trường dịch vụ lặn sớm, phát triển nóng nhưng thiếu thể chế hóa, thiếu công cụ giám sát và kiểm soát tốt đã khiến việc bảo tồn san hô gặp tác động rất mạnh và dẫn đến suy thoái nghiêm trọng” – ông dẫn chứng.

PGS Chu Hồi, chuyên gia hàng đầu về tài nguyên môi trường biển Việt Nam cho rằng hoạt động kinh tế của con người là nguyên nhân bao trùm dẫn đến rạn san hô ở Hòn Mun bị suy thoái nghiêm trọng. Ảnh: Trọng Phú

PGS Chu Hồi, chuyên gia hàng đầu về tài nguyên môi trường biển Việt Nam cho rằng hoạt động kinh tế của con người là nguyên nhân bao trùm dẫn đến rạn san hô ở Hòn Mun bị suy thoái nghiêm trọng. Ảnh: Trọng Phú

Chuyên gia này nhận định để phục hồi rạn san hô quý giá ở Hòn Mun cần thời gian ít nhất phải 10 năm, trong thời gian đó phải thực thi đồng bộ các giải pháp, trong đó có tạm dừng dịch vụ lặn biển.

“Tôi cho rằng nên tạm dừng các hoạt động kinh tế ảnh hưởng đến rạn san hô để hệ sinh thái ở Hòn Mun có thời gian nghỉ ngơi, khôi phục” – ông nói.

Ông cũng đề nghị xây dựng quy chế và thực hiện quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh tế bảo tồn tại Hòn Mun.

“Có thể áp dụng cách làm của các công ty chuyên nghiệp quốc tế như du khách phải đăng ký từ trên bờ, phải có hướng dẫn viên du lịch đi cùng du khách khi lặn, du khách phải cam kết làm gãy san hô thì phải trả bao nhiêu tiền” – ông nói.

Cùng với đó, cần có giải pháp cơ học để ngăn chặn sự bùng phát của các loài định hại của san hô (đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng) như sao biển gai, rong vôi. Đồng thời bổ sung nguồn lợi thủy sản tại vùng biển này, hay học tập kinh nghiệm của các nước là đánh san hô từ khu vực khác về trồng tái tạo lại san hô khu vực đang bị suy thoái.

phỏng vấn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm