Chuyên gia góp ý: Đà Nẵng nên dựa trên sự khác biệt để phát triển

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng Đà Nẵng có nhiều lợi thế riêng nên cần tạo ra các cơ chế, chính sách thật sự khác biệt để có thể phát triển, bứt phá trong tương lai.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Cần sớm có một nghị quyết mới của Quốc hội (QH) về cơ chế đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng. Điều đó góp phần quyết định vào việc thực hiện thành công Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh như trên tại Hội nghị sơ kết năm năm thực hiện Nghị quyết 43/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức chiều 13-3.

Chuyên gia góp ý: Đà Nẵng nên dựa trên sự khác biệt để phát triển
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương,
phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TẤN VIỆT

Dành nhiều nguồn lực hơn cho Đà Nẵng

Theo TS Nguyễn Đình Cung, tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay chưa thể đưa Đà Nẵng đạt được mục tiêu như quy hoạch. Nguồn vốn đầu tư từ Trung ương vào Đà Nẵng mỗi năm đang giảm.

Ông Cung chỉ ra nhiều giải pháp về đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn Trung ương để Đà Nẵng bứt phá trong thời gian tới, trong đó có nâng cấp sân bay, hoàn thiện các tuyến quốc lộ nối Đà Nẵng với Bắc Tây Nguyên. Tuy nhiên, với việc thiếu vốn đầu tư toàn xã hội hiện nay, Đà Nẵng cần có cơ chế vượt trội để huy động vốn. Ông Cung đề xuất không yêu cầu Đà Nẵng điều tiết thu ngân sách về Trung ương đến năm 2030.

Trung ương cũng cần cho phép Đà Nẵng thu hút đầu tư dưới hình thức PPP không hạn chế về lĩnh vực, ngành nghề và quy mô. Đà Nẵng cần được trao quyền áp dụng thủ tục đầu tư rút gọn, chỉ định thầu và chấp thuận chủ trương đầu tư/chấp thuận nhà đầu tư đồng thời với giao đất, cho thuê đất đối với dự án quy mô lớn của doanh nghiệp có uy tín. Đồng thời, cho phép Đà Nẵng mở thêm casino cho du khách. Số lượng và quy mô casino do HĐND TP Đà Nẵng quyết định...

Nếu muốn có nguồn lực tập trung hơn cho Đà Nẵng thì cần mạnh dạn đề xuất cho phép TP giữ lại 100% nguồn thu từ đất đai, được sử dụng ngân sách địa phương để chi cho các dự án liên vùng.

Trăn trở với các đề xuất của Đà Nẵng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Vũ Thị Lưu Mai cho rằng Nghị quyết 43 ở nhiều khía cạnh chưa được thể chế hóa bằng pháp luật. Đảng mở ra một hướng đi rất lớn cho Đà Nẵng nhưng Nghị quyết 119/2021 của QH còn quá hẹp, dung lượng chính sách ít, quy mô hạn chế.

Đà Nẵng đang trình dự thảo sửa đổi Nghị quyết 119, bà Mai cho rằng các chính sách mới phải thật sự đột phá, sáng tạo, không phải là tổng hợp một cách cơ học các chính sách đang được áp dụng tại địa phương khác làm thành của mình.

“Mỗi tỉnh, thành có đặc điểm của riêng mình. Đà Nẵng rất tươi đẹp, nhiều đặc thù về con người, vị trí địa lý. Vậy thì xây dựng chính sách làm sao phát huy tối đa các tiềm năng mà chỉ Đà Nẵng mới có” - bà Mai lưu ý.

Theo bà Mai, tỉ lệ điều tiết thu ngân sách của Đà Nẵng về Trung ương hiện nay là

17%/năm. Nếu muốn có nguồn lực tập trung hơn cho Đà Nẵng thì cần mạnh dạn đề xuất cho phép TP giữ lại 100% nguồn thu từ đất đai. Đồng thời cho phép Đà Nẵng được sử dụng ngân sách địa phương để chi cho các dự án liên vùng.

P4_PHU_Bai_TanViet_Phattriendanangduatrensukhacbiet.jpg
Đà Nẵng cần nhiều chính sách đặc biệt và khác biệt để bứt phá trong tương lai. Ảnh: TẤN VIỆT

Hội đủ dư địa để phát triển

Chủ trì hội nghị, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định trong ít nhất đến năm 2045, TP vẫn còn nguyên các dư địa phát triển. Hiện Đà Nẵng đang phải tổ chức thực hiện bốn kết luận của Thanh tra Chính phủ, ba bản án. Qua rà soát riêng Kết luận thanh tra 2852 năm 2012, Đà Nẵng đã có 1.300 dự án đang “nằm” chờ được tháo gỡ. Đây là một nguồn lực rất lớn về đất đai.

Theo ông Quảng, ba năm gần đây, mỗi năm Đà Nẵng thu được 2.000-2.700 tỉ đồng từ việc tháo gỡ các dự án. Riêng năm 2023, TP tháo gỡ được 17 dự án thì đã có khoảng 47.000 tỉ đồng các nhà đầu tư cam kết sẽ đầu tư vào.

“Đà Nẵng hãy dùng cơ hội sửa đổi Nghị quyết của QH để cố gắng giải quyết tất cả vướng mắc thực tiễn đang đặt ra nếu có thể. Chính sách ban hành phải thật sự khả thi về nguồn lực, con người và bộ máy. Đồng thời, chính sách mới phải khả thi về quy trình thủ tục, không thể đề xuất chính sách rồi kiến nghị bộ, ngành Trung ương hướng dẫn thực hiện những chính sách do chính mình đề xuất”

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Vũ Thị Lưu Mai.

Về kinh tế số, ông Quảng cho hay lĩnh vực công nghệ số, công nghiệp công nghệ thông tin đang đóng góp 20% vào tăng trường GRDP của TP. Xuất khẩu phần mềm năm 2023 của Đà Nẵng là hơn 200 triệu USD. Chứng tỏ nếu đi đúng hướng, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và có những cơ chế phù hợp thì những lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế xanh hoàn toàn phù hợp với dư địa và mô hình phát triển của Đà Nẵng.

Một minh chứng nữa được ông Quảng nêu ra là khi làm quy hoạch, Đà Nẵng thuê tư vấn Singapore và đơn vị này đã áp những mô hình phát triển với những đặc điểm địa chính trị như của Singapore cho Đà Nẵng. Tư vấn khẳng định Đà Nẵng có đủ dư địa phát triển đến năm 2045.

Bí thư Đà Nẵng cũng nhấn mạnh Đà Nẵng có nhiều động lực mới để phát triển như du lịch dịch vụ vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn. Đà Nẵng sẽ được xây dựng trở thành trung tâm logistics và trung chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường biển, có trung tâm tài chính quy mô khu vực và khu thương mại tự do.

“Nghị quyết 43 dùng rất nhiều từ “trung tâm” cho Đà Nẵng nhưng thực sự chưa có chính sách gì cho thấy Đà Nẵng là “trung tâm” cả. Điều này rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm và buộc TP phải chứng minh cho họ thấy Đà Nẵng thực sự là trung tâm trong các lĩnh vực khác nhau” - ông Quảng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm