Mới đây, trong cuộc thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội trong chương trình làm việc của kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XV, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết không thể dừng cải cách tiền lương vì đã ba lần lỡ hẹn với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Ông Dung đề nghị thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương và mong QH ủng hộ. BáoPháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM Trần Anh Tuấn về thực tế đời sống của người lao động (NLĐ) và đề xuất giải pháp cho lộ trình cải cách tiền lương thời gian tới.
Tiền lương thấp hơn so với nhu cầu
. Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về Nghị quyết 27 với nội dung cải cách chính sách tiền lương đối với CBCCVC và lực lượng vũ trang?
+ Ông Trần Anh Tuấn (ảnh nhỏ): Nghị quyết 27 được kỳ vọng là một giải pháp chủ chốt để CBCCVC có thể sống được bằng lương, một trong những điểm mới khi cải cách tiền lương là xóa bỏ tiền lương cơ sở. Theo đó, lương của CBCCVC và lực lượng vũ trang (khu vực công) sẽ được thiết kế gồm: Lương cơ bản (khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (khoảng 30% tổng quỹ lương).
Việc bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp) cũng được hy vọng mang lại cho đợt cải cách này tiền đề của sự đổi mới.
. Ông nghĩ sao về mức lương hiện nay của NLĐ? Có đủ cho họ chi tiêu và phù hợp với trình độ, khả năng lao động không?
+ Thực tế tiền lương luôn đứng trước mâu thuẫn là thấp so với nhu cầu của NLĐ nhưng lại rất cao so với khả năng của ngân sách. Trong quá trình thực hiện chính sách cải cách tiền lương, cần kết hợp với cải cách hành chính và đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế trả lương cho khối đơn vị sự nghiệp.
Tiền lương thực tế tỉ lệ nghịch với giá cả hàng hóa và dịch vụ. Trong điều kiện phát triển bình thường của nền kinh tế, tỉ lệ lạm phát tự nhiên hằng năm thường ở mức một con số. Do đó, tiền lương danh nghĩa nếu không được điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát thì giá trị lương thực tế sẽ giảm xuống.
Nghị quyết 27 đưa ra lộ trình thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2021 đến 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025 tiền lương thấp nhất của CBCCVC cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp (DN). Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của CBCCVC bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực DN.
Tiền lương phải gắn với năng suất lao động
. Để đảm bảo mức lương của NLĐ đáp ứng tốt nhu cầu cuộc sống, chúng ta cần chú tâm điều gì?
+ Để đảm bảo tiền lương thực tế cho NLĐ cần có chính sách điều chỉnh tiền lương danh nghĩa theo tỉ lệ lạm phát. Đối với NLĐ, lợi ích và mục đích cuối cùng của việc cung ứng sức lao động là tiền lương thực tế chứ không phải tiền lương danh nghĩa.
. Theo ông, các bộ, ngành cần lưu ý những gì trong cải cách tiền lương sắp tới?
+ Trong cải cách tiền lương tới đây, tôi kiến nghị tiền lương phải gắn với hiệu quả công việc, năng suất lao động và đảm bảo nguyên tắc lương khu vực công phải tăng nhanh hơn tiền lương bình quân xã hội.
Song song đó, Việt Nam cần sớm xây dựng tiêu chí cụ thể để đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Căn cứ vào đánh giá này để trả lương xứng đáng và cần phát triển đào tạo các chứng chỉ kỹ năng nghề nghiệp là chủ yếu.
Bên cạnh hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ đào tạo trình độ ĐH và trên ĐH với người đang làm việc, cần khuyến khích họ tự học. Việc này không chỉ giúp NLĐ có bộ kỹ năng đáp ứng nhu cầu công việc thay đổi từng ngày mà còn giúp họ liên tục học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật những thông tin và kỹ năng mới để phục vụ cho công việc.
. Xin cảm ơn ông.
Tăng lương, hiệu quả công việc phải đảm bảo
Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng lương ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quỹ lương của DN, đặc biệt là các DN đang trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, nếu chậm tăng lương sẽ ảnh hưởng đến đời sống của NLĐ bởi khi giá tăng, chi phí tiêu dùng của NLĐ cũng phải tăng theo và tăng lương là nhu cầu thực tế. Chính vì thế, việc tăng lương là một bài toán khó và cần phải được xem xét, tính toán một cách toàn diện.
Nếu tăng lương, phải có những gói hỗ trợ DN và có thể thông qua những chính sách hỗ trợ NLĐ. Có như thế DN mới tiếp tục duy trì vận hành cũng như đảm bảo đơn hàng, tạo việc làm ổn định cho NLĐ. Việt Nam có thể học hỏi các quốc gia khác trong việc hỗ trợ các gói hỗ trợ DN nhằm kích thích thị trường phát triển trở lại để tăng lương không còn là sức ép cho DN.
Khác với việc tăng lương ở khối DN, tăng lương đối với NLĐ, cán bộ, công chức nhà nước sẽ không bị sức ép quá nhiều. Nhưng điều quan trọng trong cải cách tiền lương lần này là cần tạo ra bước đột phá thay vì giải quyết vấn đề khó khăn về tiền lương của cán bộ, công chức nhà nước. Cụ thể, cần tạo một bước chuyển để nâng cao hiệu quả của bộ máy công vụ, tăng hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính. Song song đó, cần có cách tính lương làm sao đảm bảo đời sống của NLĐ, công nhân, viên chức nhà nước.
PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life)
NGUYỄN HIỀN ghi