Cuộc đảo chính đầu tháng 5 ở Venezuela bất thành khi các quan chức quân đội cấp cao vẫn đứng về phía Tổng thống Nicolas Maduro.
Luật sư người Mỹ, sử gia Alfred de Zayas - từng là người soạn báo cáo về Venezuela cho Liên Hiệp Quốc, và Giáo sư chính trị người Anh Julia Buxton tại Đại học Trung châu Âu (Hungary) đã chia sẻ với hãng tin Sputnik quan điểm về nỗ lực lật đổ ông Maduro thất bại cũng như các bước Mỹ đang và có thể sẽ thực hiện.
Mỹ có thể loại trừ cả hai ông Maduro và Guaido?
Theo luật sư Zayas, với thất bại trong việc đưa ông Juan Guaido, Chủ tịch Quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát, lên thay Tổng thống Maduro, Mỹ có thể sẽ lên kế hoạch giết ông Maduro.
“Tôi nghe từ một số nguồn tin đáng tin cậy từ vài tháng nay rằng Mỹ treo thưởng một khoản tiền lớn và cam kết tương lai hứa hẹn cho bất kỳ sĩ quan quân đội nào đào ngũ. Không nghi ngờ gì nữa, họ đã chi tiền cho các âm mưu đảo chính, bao gồm âm mưu ám sát ông Maduro. Mỹ sẽ tiếp tục con đường này, và có thể họ sẽ thành công trong việc sát hại ông Maduro”, luật sư Zayas nói với Sputnik.
Hai ông Maduro (trái) và Guaido (phải) có thể cùng gặp nguy hiểm với Mỹ. Ảnh: AMERICAN HERALD TRIBUNE
Tuy nhiên, theo ông Zayas, dù có xử lý được ông Maduro thì Mỹ cũng sẽ không đến gần mục tiêu của mình là đưa ông Guaido lên làm tổng thống. Vì theo ông Zayas, “chiếu theo điều 233 Hiến pháp Venezuela, Phó Tổng thống hiện tại là bà Delcy Rodriguez sẽ trở thành Tổng thống lâm thời, chứ không phải ông Guaido vốn không có quyền hợp pháp theo Hiến pháp Venezuela”.
Có thể sẽ có một viễn cảnh khác nữa, là Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) có thể sẽ khử ông Guaido và xem đây là một cái cớ để can thiệp vào Venezuela, theo luật sư Zayas.
“Dĩ nhiên điều này hoàn toàn bất hợp pháp, nhưng đã có khi nào luật pháp quốc tế ngăn cản được Mỹ?”, ông Zayas đặt câu hỏi.
Tiền Mỹ cho phe đối lập xuất phát từ đâu?
Về thông tin chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tìm cách hỗ trợ tài chính cho phe đối lập Venezuela, luật sư Zayas cho rằng Mỹ sẽ không chi tiền của chính mình cho ông Guaido mà sẽ phong tỏa tài sản của Venezuela.
“Mỹ đã phong tỏa hoặc tước đoạt chừng 30 tỉ USD tài sản của Venezuela ở Mỹ. Họ chuyển giao số tiền này cho ông Guaido. Không cần phải viện tới tài sản của Mỹ nữa”, Sputnik dẫn lời luật sư Zayas cho biết.
Giáo sư Buxton cũng nói Mỹ “đã chuyển nhiều khoản tiền lớn cho phong trào đối lập Venezuela trong ít nhất hai thập niên qua”.
“Số tiền đó chủ yếu được chuyển thông qua thế lực của tổ chức có tên Hỗ trợ Thúc đẩy Dân chủ. Đó là khoản tiền lớn, nó được chi cho rất nhiều hoạt động của phe đối lập trong nhiều năm, là một vấn đề thật sự và hoàn toàn có tác dụng ngược với phe đối lập, vì những gì phe đối lập cần là tái nối kết với phần lớn người dân Venezuela”, ông Buxton giải thích.
Tiền Mỹ chi cho ông Guaido không phải là tiền của Mỹ mà là từ tài sản của Venezuela. Ảnh: GETTY IMAGES
Bất chấp những nỗ lực này của Mỹ cũng như việc bị Washington phong tỏa tài sản và trừng phạt, chính phủ Venezuela vẫn tiếp tục chống lại áp lực. Theo luật sư Zayas, lý do thật sự của việc này là vì ông Trump và cấp dưới của mình “không hiểu điều gì về tinh thần người Venezuela”.
“Một số quan chức chính phủ và quân đội Venezuela cho phép mình được nhận hối lộ. Tham nhũng có tồn tại và Mỹ khai thác. Nhưng ông Abrams, đặc phái viên Mỹ về Venezuela, đã tự lừa mình nếu nghĩ rằng CIA có thể mua được toàn bộ người Venezuela”, luật sư Zayas nói.
Quân đội Venezuela quyết định cục diện chính trị
Theo luật sư Zayas, cục diện chính trị Venezuela phần nhiều tùy thuộc vào sự trung thành của quân đội nước này. Nếu Mỹ thành công trong việc có được một thỏa thuận với các quan chức quân đội cấp cao Venezuela, nước này sẽ bị lôi vào một cuộc nội chiến.
“Điều Mỹ hy vọng là sẽ có sự hỗn loạn ở Venezuela như ở Iraq và Libya, cùng với nó sẽ luôn có các cơ hội kinh doanh tốt. Không có khả năng Venezuela sẽ gia nhập Nhóm Lima và nhóm các nước theo Mỹ ở Mỹ La-tinh. Hỗn loạn và mất ổn định có thể phục vụ tốt quyền lợi địa chính trị của Mỹ”, ông Zayas cảnh báo.
Ông Maduro (giữa) vẫn được sự ủng hộ rất lớn từ quân đội. Ảnh: AP
Tới lúc này, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton vẫn nhắc đi nhắc lại rằng mọi phương án với Venezuela vẫn được cân nhắc. Và Giáo sư Buxton nhận định cộng đồng quốc tế đang ngày càng lo ngại về viễn cảnh quân sự ở Venezuela. Mexico và Đức gần đây nói rõ nếu Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela sẽ dẫn tới những hậu quả thảm khốc.
“Tôi nghĩ Mexico và Đức và nhiều nước khác rất đúng khi lo ngại sâu sắc về tác động và hậu quả của mọi dạng can thiệp quân sự của Mỹ. Tôi nghĩ lúc này đang có quan ngại, lo lắng rằng Mỹ có thể thực hiện hình thức đánh phủ đầu quân sự hay một dạng hành động quân sự nào đó với Venezuela. Tôi không bác bỏ điều này, chính phủ Mỹ hiện tại rất khó lường”, Sputnik dẫn lời Giáo sư Buxton cho biết.
Tuy nhiên, gần đây Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có sự thận trọng khi cảnh báo các cố vấn cấp cao tránh có các phát ngôn hiếu chiến. Rõ ràng ông Trump có thay đổi trong suy nghĩ sau khi cuộc đảo chính ở Venezuela mà Mỹ hậu thuẫn và đặt hy vọng đã không thành công như ý muốn.