Theo số liệu chính quyền tỉnh Attapeu thông báo, tính đến sáng 25-7, sự cố vỡ một đập phụ thuộc dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở Lào làm 19 người chết và 49 người vẫn còn mất tích. Ít nhất bảy ngôi làng trong tỉnh Attapeu bị ngập hoàn toàn. Hơn 3.000 người vẫn đang chống chọi với nước lũ, chờ được cứu.
Tham vọng “cục pin của châu Á”
Với tham vọng trở thành “cục pin của châu Á”, Lào được xem là một trung tâm thủy điện của khu vực khi thời gian qua đã xây dựng và đang lên kế hoạch xây dựng thêm nhiều đập thủy điện, theo Reuters. Phần lớn các dự án xây dựng thủy điện ở Lào đều phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các nhà thi công nước ngoài với điều kiện sẽ xuất khẩu điện sang các nước như Thái Lan, Trung Quốc.
Bảy ngôi làng trong tỉnh Attapeu bị ngập hoàn toàn sau khi một đập phụ thuộc dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở Lào vỡ tối 23-7. Ảnh: THE STANDARD
Hiện ở Lào đã có 10 đập thủy điện hoạt động, 10-20 đập đang trong quá trình xây dựng. Bên cạnh đó Lào đã lên kế hoạch xây dựng thêm 11 đập thủy điện lớn, 120 đập phụ trên sông Mekong trong 20 năm tới.
Việc Lào quá chú trọng phát triển thủy điện khiến nhiều nhà hoạt động môi trường, các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học lo ngại về ảnh hưởng của nó đến sông Mekong, một trong những con sông dài nhất, lớn nhất và giàu tài nguyên nhất thế giới. Nhiều ý kiến phản đối các dự án thủy điện sẽ gây tổn thất về kinh tế nhiều hơn là thu lợi vì tác động tiêu cực đến nghề cá, hoa màu người dân vốn phụ thuộc vào dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong. Một báo cáo từ tổ chức liên chính phủ Ủy ban Sông Mekong hồi tháng 4 ước tính lượng cá ở sông giảm 40% vì các dự án thủy điện.
19 người chết và 49 người vẫn còn mất tích sau khi một đập phụ thuộc dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở Lào vỡ tối 23-7. Ảnh: EXPRESS
Trong khi đó, một báo cáo từ Viện Môi trường Stockholm cảnh báo “các thay đổi trong mùa mưa và tính khắc nghiệt của thời tiết có thể là mối đe dọa với hệ thống thủy điện của Lào”. Năm ngoái, một con đập thủy điện dọc sông Nam Ao của Lào cũng bị vỡ khiến bảy ngôi làng bị ngập và tàn phá một lượng lớn diện tích hoa màu của người dân, may mắn không có thương vong.
Rà soát lại toàn bộ dự án thủy điện
Trở lại vụ vỡ đập phụ dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, các chuyên gia và các nhà hoạt động xã hội đang kêu gọi chính phủ Lào xem xét kỹ lại và yêu cầu giải trình lại về nhiều dự án thủy điện đã và đang được lên kế hoạch sẽ xây dựng ở Lào.
“Rất nhiều người dân bị ảnh hưởng vì vụ vỡ đập vốn đã chịu di dời chỗ ở hoặc mất kế sinh nhai cùng các ảnh hưởng khác vì công tác xây dựng đập thủy điện. Thảm kịch này càng làm trầm trọng thêm sự khổ sở của họ, lần nữa nhấn mạnh tính rủi ro, bên cạnh quan ngại về các ảnh hưởng xã hội và môi trường” - chuyên gia Maureen Harris, thuộc tổ chức Các dòng sông quốc tế, nói ngày 25-7.
Hơn 3.000 người vẫn đang chống chọi với nước lũ, chờ được cứu. Ảnh: REUTERS
Vì dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, hơn 2.300 người đã phải di dời chỗ ở để nhường chỗ xây dựng các hồ chứa, 8.700 người bị ảnh hưởng trực tiếp vì dự án. Năm 2013, nhiều người dân trong khu vực dự án không chịu chuyển đi, cho rằng khoản bồi thường quá ít và đất họ được bồi thường không trồng trọt được. Theo Reuters, các cuộc gọi đến các văn phòng chính phủ Lào ở thủ đô Vientiane không được trả lời.
Chuyên gia Micah Ingalls, tại Trung tâm Phát triển và Môi trường ở Vientiane tại ĐH Bern (Thụy Sĩ), nêu ra thực tế người dân địa phương trong khi chẳng được hưởng lợi từ các dự án thủy điện khi 90% lượng điện tạo ra dành cho xuất khẩu thì họ phải gánh chịu trực tiếp tác động về môi trường và xã hội. Chẳng hạn, 90% lượng điện từ dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan.
Giám sát chưa đúng mức
Chuyên gia Ingalls cho rằng hoạt động giám sát ảnh hưởng môi trường và xã hội của các dự án này đã không được thực hiện đúng mức, đến nơi đến chốn.
“Các cơ quan chính quyền địa phương, bộ phận ngày này qua ngày nọ chứng kiến ảnh hưởng lại không chịu ràng buộc nhiều” - chuyên gia Ingalls nói với Reuters.
Trong khi đó theo ông, các đội ngũ giám sát cấp chính phủ lại thường “thiếu kinh phí và thiếu năng lực thực hiện công việc giám sát đúng mức, phụ thuộc quá nhiều vào ý kiến và cách thể hiện trách nhiệm của các nhà đầu tư đập thủy điện”.
Người dân phải sơ tán sau khi một đập phụ thuộc dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở Lào vỡ tối 23-7. Ảnh: EXPRESS
Nhóm làm việc về kinh doanh và nhân quyền của Liên Hiệp Quốc từng kêu gọi các nước giàu hơn trong khu vực giám sát kỹ hơn hoạt động của các nhà đầu tư nước mình vào các dự án thủy điện ở Lào.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Harris, các tiêu chuẩn dù rành rành trên giấy nhưng giám sát thực tế vẫn rất sơ sài. Kể cả khi vi phạm xảy ra thì chuyện đưa ra tòa cũng rất hạn chế.
“Hướng đi thế này rõ ràng không bền vững. Chúng tôi hy vọng thảm kịch này sẽ buộc các bên liên quan có khoảng dừng thực hiện các dự án thủy điện, suy nghĩ nghiêm túc hơn về nó và xem mình nên hành động gì” - chuyên gia Harris kết luận.