Theo lời kể của anh Đức, hướng dẫn viên tại địa đạo Long Phước, xã Long Phước có một tuyến địa đạo như ngày nay xuất phát từ câu chuyện chạy giặc của bác Năm Hồi.
Cũng như bao người dân trong làng, cứ mỗi lần giặc càn quét, tiến hành thả bom, đánh vào làng là bác Năm Hồi cùng mọi người chạy trốn. Một lần, bác Năm Hồi đang chạy thì té xuống một cái hố bom của giặc sâu 1,5-1,6 m. Trèo lên thì sợ giặc đánh đến, phía trên đầu thì địch không ngừng thả bom, hố lại quá sâu nên bác Năm Hồi quyết định nằm nép mình dưới hố bom để tránh sự truy quét của giặc. Lần đó, bác Năm Hồi đã giữ được tính mạng của mình nhờ trốn dưới hố bom.
Sau lần đó, bác Năm Hồi cùng người thân trong gia đình đào hầm để tránh những lần giặc càn quét. Thời đó, trong nhà người dân ở xã Long Phước, nhà nào cũng có một tủ thờ cỡ lớn, bác Năm Hồi đã cho người kéo chiếc tủ thờ ra và đào hầm ngay dưới chân tủ thờ. Vậy là trong những trận càn sau đó, gia đình bác Năm Hồi không cần phải chạy đi đâu xa mà chỉ cần chui xuống hầm để tránh sự truy lùng của giặc.
Anh Đức, hướng dẫn viên tại địa đạo Long Phước, xã Long Phước, đang kể lại câu chuyện về bác Năm Hồi.
Từ tháng 8-1945, xã Long Phước xây dựng chính quyền cách mạng và tổ chức lực lượng vũ trang để chuẩn bị cho cuộc chiến mới. Tháng 3-1946, khi thực dân Pháp quay lại chiếm đóng, chúng đã gây nhiều thiệt hại nặng nề cho người dân toàn xã.
Chỉ trong vòng ba năm, từ năm 1946 đến 1949, chúng liên tục tiến hành những đợt càn quét và khủng bố người dân. Trung bình một tháng chúng vào làng càn quét một lần, có những tháng thì liên tục 4-5 đợt. Làm sao để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân luôn là điều khiến chính quyền xã Long Phước trăn trở.
Biết được gia đình ông Năm Hồi không có ai thiệt mạng, lại bảo toàn được tài sản dù nhà ông nằm trên tuyến càn quét ác liệt của kẻ thù, Huyện ủy của xã lúc bấy giờ đã đến nhà ông để thăm hỏi và học tập cách ông cùng gia đình mình tránh giặc.
Nghe ông Năm Hồi kể lại sự việc, đồng chí Sáu Tâm, lúc bấy giờ được phân công phụ trách công tác gây dựng cơ sở cách mạng tại hai xã Hòa Long và Long Phước, đã đề nghị ông Năm Hồi đào thêm một căn hầm bí mật nữa để thí điểm. Khi tận mắt chứng kiến căn hầm bí mật chỉ với cấu trúc thô sơ nhưng có thể giữ được tính mạng và tài sản của người dân, đồng chí Sáu Tâm đã xin phép ông Năm và Đảng bộ xã Long Phước để cho người dân trong xã cùng đào hầm để tránh giặc.
Các cụm địa đạo được nối liền với nhau bởi đường xương sống, có hầm bí mật chứa lương thực dự trữ, các công sự chiến đấu để đánh trả địch.
Một phong trào toàn dân tham gia đào hầm bí mật do Đảng bộ xã Long Phước được phát động. Người dân cùng nhau đào hầm, thay vì ban đầu chỉ cố định mỗi nhà một hầm thì sau này họ đào hầm thông với nhau từ nhà này sang nhà kia. Trên cơ sở đó, người dân cũng tiếp tục đào sâu hơn nữa, hình thành nên hệ thống địa đạo quy mô sau này.
Những người lính đặc công bên ngoài địa đạo đang bàn kế hoạch để đánh vào hang ổ của địch.
Phía trong lòng địa đạo có nhiều cửa, ụ chiến đấu để đánh địch khi chúng đến càn. Cứ hằng đêm, khoảng 100-200 người dân trong xã lại cùng nhau hì hục đào hầm. Đến đầu năm 1949, sau hơn sáu tháng đào hầm, toàn dân xã Long Phước hoàn thành được 300 m địa đạo, luồn sâu dưới lòng đất ở khu vực ấp Đông. Địa đạo cách xa đường lộ liên tỉnh khoảng 300 m, sâu 3 m, đất đắp dầy 1,5 m, rộng 0,8 m, có nhiều ổ, ụ chiến đấu và hệ thống hầm bí mật, phát triển liên hoàn qua toàn tuyến...
Tháng 10-1949, du kích xã và nhân dân Long Phước dựa vào hệ thống địa đạo lợi hại đã bẻ gãy một trận càn lớn của địch, góp phần tạo điều kiện cho khu căn cứ Xuyên Phước Cơ của tỉnh được mở rộng và bảo đảm an toàn.
Đầu năm 1963, Tỉnh ủy Bà Rịa quyết định khôi phục và mở rộng địa đạo Long Phước, cử thêm một trung đội của Đại đội 445, thuộc bộ đội tỉnh đội về giúp dân đào địa đạo. Trong thời gian này địa đạo được phát triển thêm đoạn mới từ ấp Đông sang ấp Bắc. Hoàn chỉnh với đường địa đạo chính là các chi nhánh dẫn đến ụ chiến đấu, kho chứa vũ khí, trạm y tế, lương thực thực phẩm, bể chứa nước, hệ thống hầm chông chống tập kích của địch… Sau đó là tuyến địa đạo ở ấp Nam, nối liền với ấp Đông bằng đường giao thông nổi, cuối ấp là bãi tử địa (hầm chông)…
Ngày 1-4-1963, quân và dân xã Long Phước dựa vào tuyến địa đạo đã khiến địch chịu thiệt hại nặng nề. Một tiểu đoàn biệt động phối hợp với lực lượng bảo an tiểu khu, có một chi đội xe bọc thép M.113 của giặc yểm trợ càn quét vào khu vực ấp Bắc nhưng đã bị quân và dân của xã đánh lùi.
Hầm bí mật chứa lương thực dự trữ, các công sự chiến đấu để đánh trả địch trong lòng địa đạo.
Đến 7-4-1963, địch điên cuồng dùng xe tăng, xe ủi đất cùng với hàng ngàn bộ binh... tràn vào ấp Đông với âm mưu đánh sập tuyến địa đạo này. Mặc dù phá được một vài đoạn đường hầm nhưng chúng không sao tìm được ngóc ngách của địa đạo. Bộ đội ta phối hợp với du kích xã vẫn bám chắc trận địa, dùng lựu đạn, thủ pháo bất ngờ xuất hiện tập kích tiêu diệt địch, phá hủy xe M.113, cuối cùng buộc chúng phải tháo chạy.
Đường địa đạo xương sống cách mặt đất 2-3 m, lòng địa đạo cao 1,5-1,6 m, rộng 0,6-0,7 m, bảo đảm đi lại vận động khá dễ dàng.
Trong suốt hai thời kỳ chống thực dân và đế quốc, quân và dân Long Phước đã đào được tổng số 3.600 m địa đạo, trong đó ấp Đông dài 650 m, ấp Bắc 2.700 m, ấp Nam 250 m.
Hiện nay, địa đạo Long Phước đã được trùng tu, tôn tạo có phòng trưng bày truyền thống đón khách tham quan trong nước và quốc tế. Đoạn địa đạo tại khu vực ấp Bắc, nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt nhất được phục chế nguyên gốc có lối xuống; cửa rộng 0,8-1 m; cao 1,6-1,8 m và có ngách lỗ thông hơi, giao thông hào, nơi chứa lương thực thực phẩm, cứu chữa thương bệnh binh…
Điểm thăm viếng, tham quan của du khách Úc và New Zealand Trong suốt thời kỳ kháng chiến, địa bàn xã Long Phước lính Úc và New Zealand lập căn cứ địa ở vùng núi đất trên địa bàn xã. Năm 1966, xảy ra một cuộc giao tranh giữa bên binh sĩ Úc, New Zealand với người dân ở đây và rất nhiều người đã tử trận. Sau khi đất nước giải phóng vào năm 1975, chính phủ Việt Nam và Úc đã cho dựng lại một số di tích, hình ảnh để người Úc có thể đến thăm viếng. Người Úc đến đây hầu hết là cựu chiến binh, gia đình của các binh sĩ ngày xưa, số còn lại du khách đến đây để thăm viếng. |