Chuyển sang Thượng Hải, liệu đàm phán Mỹ-Trung có tiến triển?

Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer sẽ có cuộc hội đàm với Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.

“Ít đề cập chính trị, nói về kinh doanh nhiều hơn”, chuyên gia thương mại Tu Xinquan tại Đại học Kinh tế và Kinh tế Quốc tế Bắc Kinh, cũng là người theo sát các cuộc đàm phán, nói về lý do Thượng Hải được chọn làm nơi đàm phán.

“Trước đây, mỗi bên có thể thực hiện một bước nhỏ để tạo niềm tin, tiếp theo là nhiều hành động hơn”.

Tuy nhiên, kỳ vọng về triển vọng khả quan cho đàm phán lần này không cao, nên các quan chức và doanh nghiệp đang hy vọng Washington và Bắc Kinh ít nhất có một cam kết chi tiết về “thiện chí” hai bên và mở đường cho các cuộc đàm phán trong tương lai, theo Reuters.

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (bên trái) và Bộ trưởng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (giữa) sẽ gặp nhau vào ngày 30-7 tại Thượng Hải. Ảnh: REUTERS

Các cam kết thiện chí của hai bên lần này có thể bao gồm việc Trung Quốc xúc tiến mua hàng hóa nông sản của Mỹ, và Mỹ sẽ cho phép các công ty nước này tiếp tục nối lại quan hệ kinh doanh với tập đoàn Huawei của Trung Quốc.

Tổng thống Donald Trump hôm 26-7 nói Trung Quốc có thể sẽ không muốn ký một thỏa thuận thương mại cho đến sau cuộc bầu cử năm 2020. Ông nói rằng Trung Quốc hy vọng có thể đàm phán các điều khoản có lợi hơn với một tổng thống Mỹ khác.

“Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ nói rằng ‘Hãy chờ đi’”, ông Trump nói. “Vậy thì cứ chờ đợi xem ai trong số họ (các ứng viên tổng thống) sẽ đưa nước Mỹ đi xa, và chờ xem ai sẽ đắc cử”.

Reuters dẫn một lãnh đạo ngành công nghiệp tại Mỹ nói rằng mục tiêu chính trong hội đàm tại Thượng Hải lần này là để mỗi bên có được sự rõ ràng về "thiện chí" của các bên sau hội nghị G-20.

Kể từ sau cuộc gặp của Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập tại Nhật Bản tháng 6-2019, Mỹ sẽ không áp thuế đối với 300 tỉ USD đối với hàng hóa Trung Quốc và giảm bớt hạn chế đối với Huawei nếu Bắc Kinh đồng ý mua sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ.

Có dấu hiệu Bắc Kinh cho phép các công ty Trung Quốc thực hiện một số giao dịch mua hàng miễn thuế đối với hàng nông sản của Mỹ.

Mặc dù có những giải pháp "ngừng bắn" tại Hội nghị G-20 tháng 6-2019, thương chiến Mỹ-Trung vẫn còn căng thẳng. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, giới quan sát nói rằng, Mỹ chỉ cho phép giao dịch với Huawei đối với các sản phẩm không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Ngoài ra, phía các nhà máy Trung Quốc cũng không thể mua số lượng đậu nành từ Mỹ do lo ngại về triển vọng thỏa thuận Mỹ-Trung, theoReuters.

Reuters dẫn nguồn tin nói rằng một phái đoàn gồm giám đốc điều hành các công ty Mỹ đã có mặt tại Bắc Kinh hồi tuần trước để nhấn mạnh với giới chức Trung Quốc về tính cấp bách của một thỏa thuận thương mại.

Họ cảnh báo các nhà đàm phán Trung Quốc trong các cuộc gặp mặt rằng nếu không đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, thì tình hình chính trị tại Trung Quốc cũng như giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 sẽ khiến việc đạt được thỏa thuận trở nên vô cùng khó khăn.

“Đạt được thỏa thuận. Nó sẽ là một cú hích lớn, nhưng sau ngày 31-12 tới thì việc đó sẽ không xảy ra”, một giám đốc điều hành công ty Mỹ nói với Reuters.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm