Chiều 7-3, trong buổi Khảo sát của Đoàn giám sát HĐND TP.HCM về việc thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn TP (giai đoạn 2021-2025), nhiều đại biểu đã góp ý kiến về việc gỡ khó cho 16 dự án hạ tầng trọng điểm của TP.
4 lý do các dự án chậm trễ
16 dự án này gồm nút giao An Phú và Mỹ Thủy TP Thủ Đức; mở rộng Quốc lộ 50 huyện Bình Chánh, nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ, mở rộng đường Dương Quảng Hàm quận Bình Thạnh, cầu Tân Kỳ-Tân Quý quận Bình Tân, đường Trần Quốc Hoàn-Cộng Hòa quận Tân Bình, cầu Tăng Long, cầu ông Nhiêu, cầu Nam Lý TP Thủ Đức, cầu Phước Long quận 7, cải tạo đường Cộng Hòa, bến xe buýt Củ Chi, cao tốc TP.HCM-Mộc Bài; kênh Hàng Bàng, Nước Đen.
Trong 16 dự án này có những khó khăn được nêu liên tục trong thời gian qua như dự án bồi thường giải phóng mặt bằng nút giao Mỹ Thủy vẫn chưa được phê duyệt, hay nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ vướng nhiều hạ tầng kỹ thuật như cáp điện ngầm, hoặc câu chuyện vướng mặt bằng cầu Tăng Long, Nam Lý…
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), có thể nêu bốn lý do cho việc chậm trễ của các dự án.
Một là trình tự thủ tục, cơ chế, việc xin ý kiến, hướng dẫn. Hai là giải phóng mặt bằng. Ba là sự phối hợp giữa các sở ngành trong khi giải quyết các vấn đề phát sinh và cuối cùng là vai trò của chủ đầu tư từ khâu lập dự án, tư vấn, thiết kế, lên kế hoạch chuẩn bị dự án…
Cuộc khảo sát chiều 7-3 của HĐND TP.HCM tại TP.HCM về các vướng mắc tại nhiều dự án trọng điểm của TP. Ảnh: K.C |
Thiệt hại 200 tỉ chỉ vì chậm bàn giao mặt bằng
Đại biểu HĐND TP, ông Cao Thanh Bình cho rằng mấu chốt vấn đề có thể thấy là nếu địa phương không quyết liệt trong bàn giao mặt bằng thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Từ đó kéo dài thời gian thi công cũng như gây phản cảm với người dân, chi phí tăng cao.
“Chúng ta thấy ban đầu cầu Tăng Long (TP Thủ Đức) chưa đến 500 tỉ đồng, bây giờ khoảng 700 tỉ đồng, chúng ta thiệt hại 200 tỉ chỉ vì chậm bàn giao mặt bằng. Ban Giao thông nên mạnh dạn đề nghị địa phương cam kết rõ và nêu rõ trách nhiệm ra sao nếu như không bàn giao mặt bằng đúng tiến độ” - ông Bình nói.
Theo ông Bình, sắp tới cuối năm 2024 khi đường vành đai 3 khai thác nếu các nhánh đường quan trọng, trục đường của vành đai này không hoàn thành thì sẽ rất lãng phí. Do đó, phải đẩy nhanh tiến độ các dự án liên quan.
“Ban Giao thông nêu chi tiết về 16 dự án giúp chúng ta hình dung được bức tranh tổng thể về những dự án giao thông trọng điểm của TP, trong đó còn nhiều dự án vướng mắc” - ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM đánh giá.
Theo ông Hiếu, để phục vụ cho chương trình giám sát sắp tới, các bên liên quan cần tập hợp các nội dung then chốt, cả những nội dung như vấn đề bố trí nguồn thu phí cảng biển để đầu tư hạ tầng xung quanh cảng biển, vướng về mặt bằng, rồi vấn đề phân bổ nguồn vốn, thanh quyết toán dự án…
“Chúng ta phải xem lại sự phối hợp các bên có chặt chẽ chưa như câu chuyện còn vướng quy hoạch của cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, vướng mặt bằng của dự án đường nối Trần Quốc Hoàn…” - ông Hiếu phân tích.