Cô gái có biệt tài săn học bổng du học

(PLO)-  Nguyễn Phương Mẫn Tuệ vừa trở thành cựu sinh viên đầu tiên của Việt Nam giành được học bổng thạc sĩ danh giá toàn cầu về ngành dệt may.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nguyễn Phương Mẫn Tuệ, cô gái sinh năm 1997 là cựu sinh viên ngành công nghệ dệt may, Khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM. Cô được nhiều người biết đến với “biệt tài” săn học bổng để được đến nhiều quốc gia học tập và trải nghiệm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bốn năm đi ba quốc gia bằng học bổng

Cuối năm 2020, Nguyễn Phương Mẫn Tuệ đã một trong ít gương mặt đặc biệt tại lễ tốt nghiệp của Trường ĐH Bách khoa. Không chỉ đặc biệt vì là nữ sinh theo đuổi ngành kỹ thuật, Mẫn Tuệ còn lập nên một thành tích đáng nể là bốn năm đi ba quốc gia, gồm Ý, Canada, Singapore bằng học bổng và chương trình trao đổi sinh viên.

Nguyễn Phương Mẫn Tuệ trong một chuyến du lịch. Ảnh: MTP

Nguyễn Phương Mẫn Tuệ trong một chuyến du lịch. Ảnh: MTP

Mẫn Tuệ chia sẻ khi còn là sinh viên năm hai, Tuệ đã có mối quan tâm đến lĩnh vực dệt bền vững, qua đó em đã nghiên cứu về triển vọng của tre như một loại sợi bền vững. Nghiên cứu này đã được Thương vụ Ý lựa chọn là một trong bốn bài báo xuất sắc nhất và tài trợ toàn phần cho chương trình tập huấn tại Ý vào năm 2017. Chuyến đi này giúp em quan sát ngành dệt may một cách rộng lớn và chuyên nghiệp hơn.

Đến năm 2018, nhờ những hoạt động nổi bật về môi trường, Tuệ được lựa chọn để tham gia chương trình trao đổi nhằm mục đích hành động vì cộng đồng và tăng cường kỹ năng lãnh đạo tại Singapore từ Quỹ Quốc tế Temasek.

Đầu năm 2019, nhờ những cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong ngành dệt may (trong chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững), em đã giành được cơ hội học tập tại Canada trong một học kỳ với tất cả khoản phí được đài thọ theo chương trình SEED của chính phủ Canada.

Đáng chú ý, cuối năm 2019, Mẫn Tuệ tiến hành đề tài nghiên cứu nhóm về thiết kế bộ sản phẩm áo ngực và bầu ngực giả cho phụ nữ Việt Nam sau phẫu thuật đoạn nhũ. Đề tài tạo nên những ảnh hưởng tích cực, thu hút nhiều sự quan tâm với đối tượng phụ nữ Việt Nam đã trải qua phẫu thuật đoạn nhũ trong nhiều cuộc thi và hội nghị.

Trải nghiệm qua các nước, Mẫn Tuệ bày tỏ: “Có rất nhiều điều phải làm quen dù cho là những điều rất nhỏ nhặt đến từ cuộc sống bình thường. Khác biệt văn hóa, môi trường học tập hay là ngôn ngữ giao tiếp cũng là những vấn đề mà em gặp khó khăn trong khoảng thời gian đầu. Nhưng em nghĩ có lẽ khó khăn lớn nhất chính là quyết định bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để đón nhận những thử thách và hòa nhập vào một môi trường hoàn toàn mới lạ”.

Không muốn dừng lại ở thạc sĩ

Ra trường gần hai năm, sau một thời gian đi làm, trong tháng 4 vừa qua, Mẫn Tuệ đã giành được học bổng thạc sĩ danh giá toàn cầu ngành kỹ thuật dệt.

Học bổng thuộc chương trình World Textile Engineering Advanced Master (We-Team) trị giá gần 50.000 euro thuộc khuôn khổ học bổng Erasmus Mundus Joint Master dưới sự tài trợ của Liên minh châu Âu. Đây là một học bổng đặc biệt, kéo dài hai năm nhằm đào tạo thế hệ kỹ sư dệt may tương lai.

Đặc biệt, theo PGS-TS Bùi Mai Hương, Trưởng bộ môn Kỹ thuật dệt may Trường ĐH Bách khoa, Mẫn Tuệ là sinh viên Việt Nam đầu tiên nhận học bổng We-team này.

Chia sẻ kinh nghiệm “săn” học bổng, Mẫn Tuệ cho biết em phải vạch ra kế hoạch cụ thể và đặt deadline cho từng kế hoạch. Phải nghiêm túc và kỷ luật thì mới có động lực, đủ cố gắng để vượt qua sức trì của bản thân để có thể hoàn thành được bộ hồ sơ xin học bổng.

Mẫn Tuệ sẽ bắt đầu nhập học vào tháng 9 tới. Học kỳ đầu tiên em sẽ học ở Bỉ, học kỳ hai ở Tây Ban Nha, học kỳ ba có thể chọn giữa Nhật hoặc Thụy Điển. Học kỳ cuối cùng sẽ làm luận văn nên tùy theo việc lựa chọn giáo sư và hướng nghiên cứu mà Mẫn Tuệ sẽ theo học tại một trong các trường thành viên của chương trình học bổng.

Tuy nhiên, Mẫn Tuệ cho rằng mục tiêu của em không dừng lại ở chương trình thạc sĩ mà mong muốn trong tương lai em có cơ hội để tiếp tục con đường học thuật, trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ trong chính lĩnh vực dệt may để có những đóng góp to lớn và tích cực hơn cho cộng đồng.

Một nữ sinh thông minh, cá tính và tình cảm

Mẫn Tuệ là một sinh viên đặc biệt. Tôi ấn tượng về em bởi sự thông minh, cá tính và tình cảm. Kết quả học tập của em không phải là cao nhất nhưng Tuệ luôn biết rõ mục tiêu của mình và theo đuổi mục tiêu, kiên trì và thầm lặng. Bên cạnh kiến thức, Tuệ có kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội, biết quan tâm chia sẻ với thầy cô, đồng nghiệp và các hoạt động cộng đồng.

Theo tôi, cá tính của các bạn trẻ thường được thể hiện khá nổi trội, gây ấn tượng nhưng cá tính của Tuệ thể hiện ở sự quyết tâm, thầm lặng chinh phục mục tiêu. Dù có ý chí cao nhưng tôi không thấy ở Tuệ sự “ganh đua” mà luôn là sự nỗ lực, biết tôn trọng thầy cô, bạn bè.

Cơ hội tốt như Tuệ càng cho thấy dệt may không chỉ là một ngành công nghiệp truyền thống mà hiện nay đã vượt qua ranh giới của một ngành công nghiệp dựa trên nhân công giá rẻ mà trở thành ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn và ứng dụng các công nghệ vật liệu thông minh để nâng cao giá trị.

PGS-TS BÙI MAI HƯƠNG, Trưởng bộ môn Kỹ thuật dệt may Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm