Chị Phượng và biên tập viên Diana của kênh truyền hình Russia-1 trước giờ ghi hình ngày 22-3 - Ảnh: QUỲNH TRUNG
“Đúng là ông trời lấy mất của tôi sắc đẹp nhưng lại ban tặng tôi những điều quý giá hơn thế, đó là một người bạn đời chung thủy và sự quan tâm của nhiều người” - chị Phượng trải lòng.
Tìm thấy niềm vui cuộc sống
Ít ai biết rằng để có thái độ sống lạc quan như hiện nay, chị Phượng phải trải qua một khoảng thời gian dài u ám và bật khóc ngay khi ai đó có nhận xét không hay về vẻ ngoài lạ thường của mình.
Số phận còn nghiệt ngã hơn khi mẹ chị Phượng mất lúc chị còn rất nhỏ và bố có gia đình riêng, trong khi bà ngoại, người nuôi nấng chị từ nhỏ, cũng vừa mới qua đời.
Cuộc sống cô lập như thế của hai vợ chồng cứ nặng nề trôi qua ở một khu vực ít dân cư tại Bù Đốp, Bình Phước khi chị bị bệnh. Chỉ đến khi nhiều người gọi điện chia sẻ kèm nhiều lời đề nghị giúp đỡ sau khi biết được căn bệnh lạ của chị Phượng thông qua một bài báo của Tuổi Trẻ (xem bài viết “Cô gái 26 tuổi biến thành bà lão” trên Tuổi Trẻ Online), chị Phượng mới bắt đầu tìm thấy lối thoát cho cuộc đời mình.
Từ đó chị bắt đầu cảm nhận cuộc sống có nhiều niềm vui hơn. Nhiều cơ hội đến và nhiều người quan tâm hơn. Chẳng hạn như đài truyền hình Nhật Bản quyết định sang Việt Nam hàng tháng trời để làm một bộ phim về cuộc đời chị và độc giả cả nước gọi điện thăm hỏi “đến nóng điện thoại” như chị tâm sự. Các y bác sĩ Việt Nam luôn tận tâm chăm sóc và điều trị cho chị. “Tôi vui vì xã hội và cộng đồng còn quan tâm đến mình và cũng từ đó tôi bớt tự ti và quyết định mở lòng hơn với người khác” - chị trải lòng.
Nhưng là phụ nữ, không ai không muốn mình đẹp, mình xinh trong mắt người khác và chị Phượng cũng không ngoại lệ.
Chị đang cố tìm lại hình ảnh của chính mình ngày nào - một cô gái Bến Tre xinh đẹp với làn da tươi tắn - và đang mơ ước có một sống bình thường bên chồng con như bao phụ nữ cùng trang lứa khác.
Chị đã mang theo mơ ước đó đến Matxcơva. Và khi vợ chồng chị bước ra đứng giữa phim trường đài truyền hình Russia-1 ngày 22-3, khán giả Nga đã dành cho vợ chồng chị sự chào đón vô cùng nồng ấm.
Ấm áp trường quay Russia-1
Matxcơva đang trong những ngày đầu mùa xuân nhưng thời tiết vẫn lạnh cắt da cắt thịt khi nhiệt độ bên ngoài dao động ở mức -7OC. Chị Phượng cảm thấy ấm áp khi nắm chặt tay chồng ngồi vào vị trí của khách mời. Người dẫn chương trình Mikhail Zelenski, các chuyên gia và tất cả khán giả trong trường quay đồng loạt vỗ tay và đón chào anh chị bằng những nụ cười rạng rỡ và đầy chia sẻ.
Dù là hội thảo y khoa, nhưng buổi trò chuyện truyền hình dài vỏn vẹn 38 phút này không chỉ nói về bệnh lão hóa. Đến trường quay còn có hai bệnh nhân như chị Phượng là anh Nuzhan Orgeshbaev, 21 tuổi, đến từ Kazakhstan và chị Ekaterina Nezhentseva, 18 tuổi, người Ukraine, cùng các bác sĩ tiết niệu, nội tiết và di truyền học uy tín tại Nga. Ban tổ chức còn mời các nghệ sĩ, bác sĩ tâm lý, nhà tạo mốt và cả nhà ngoại cảm để tạo thêm sức hút cho chương trình.
Mở đầu buổi hội thảo, người dẫn chương trình chỉ mấy tấm ảnh khi chị Phượng còn trẻ và hiện giờ trên màn hình và liên tục hỏi anh Tuyển: “Đây có phải là chị Phượng không?”. Anh Tuyển không đợi đến giây thứ hai để trả lời: “Phải”.
Đường link xem chị Phượng xuất hiện trên truyền hình Nga, sau khi chương trình phát sóng vào 11g40 tối 15-4-2013 (giờ Việt Nam): http://pryamoj-efir.ru/pryamoj-efir-15-04-2013-fenomen-stremitelnogo-stareniya-ostanovit-epidemiyu/
Ngoài căn bệnh hiếm gặp của chị Phượng, mối tình đẹp của vợ chồng chị cũng gây ấn tượng mạnh đối với đài truyền hình Nga. Trước đó họ đã quay, và bây giờ chiếu lại, vài thước phim ngắn về những khoảnh khắc lãng mạn của anh chị khi đi tham quan dòng sông Matxcơva thơ mộng, quảng trường Đỏ và uống cocktail tại một câu lạc bộ khiêu vũ ở Matxcơva. “Tôi thật sự nhìn thấy tình yêu họ dành cho nhau. Nó quá trong trẻo. Thật khó để diễn tả bằng lời nhưng tôi nghĩ tình yêu này giúp chị Phượng tin rằng một ngày nào đó phép mầu xuất hiện và chị sẽ hết bệnh” - biên tập viên Leyla thốt lên khi nhìn thấy những cử chỉ trìu mến anh Tuyển dành cho vợ.
Alexander Bronstein, bác sĩ Công huân của Liên bang Nga, cho rằng căn bệnh của chị Phượng rất hiếm gặp, chỉ có khoảng 80 ca trên thế giới. Trong khi đó, một nữ bác sĩ khác đến từ một bệnh viện hàng đầu ở nước Nga nói căn bệnh của anh Nuzhan và chị Ekaterina biết rõ nguyên nhân, nhưng riêng bệnh của chị Phượng vẫn thuộc diện bí ẩn.
Suốt buổi giao lưu, người Nga rất tế nhị, hiếm khi nhắc đến vẻ bên ngoài của chị Phượng, thay vào đó chỉ tập trung nói đến tình yêu và lòng chung thủy của chồng chị - anh Nguyễn Thành Tuyển.
Nhưng cũng có những phút giây khiến chị Phượng thoáng buồn khi ông Sergey Zagraevski, một nhà văn hóa từng nhận danh hiệu Công huân của Liên bang Nga, đặt câu hỏi tại sao “Họ sống với nhau đã nhiều năm mà hai người vẫn chưa chịu kết hôn?”. Anh Tuyển giải đáp thắc mắc của ông ngay sau đó: “Tôi rất muốn kết hôn với Phượng nhưng cô ấy thì chưa vì cô ấy không muốn khuôn mặt đầy nếp nhăn xuất hiện trên ảnh cưới. Chúng tôi dự định kết hôn khi nào Phượng hết bệnh”.
Nhiều người không đồng tình với cách đặt câu hỏi của ông Sergey, trong đó có một phụ nữ từ hàng ghế khán giả. Cô chia sẻ cảm nghĩ: “Vẻ đẹp bên trong quan trọng hơn vẻ đẹp bên ngoài và tôi biết chắc chắn anh Tuyển yêu chị Phượng vì vẻ đẹp tâm hồn của chị ấy”.
Bác sĩ tâm lý Irina Obukhova tiếp nối: “Xét về khía cạnh tâm lý của phụ nữ, tôi thấy chị Phượng bất hạnh hơn chị Ekaterina vì chị Ekaterina đã quen với cơ thể già nua từ nhỏ. Ai ở trường hợp chị Phượng cũng rất dễ bị suy sụp vì bất ngờ trở thành bà lão khi đang là một cô gái đôi mươi xinh đẹp”.
Quả thật, chị Phượng đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi đón nhận tình cảm chân thành của khán giả Nga và thậm chí từ người đồng cảnh ngộ với mình. Chị Ekaterina, người bị lão hóa từ lúc mới sinh và hiện đang là nhà thiết kế thời trang, dành tặng chị Phượng một chiếc áo dạ hội làm bằng chất liệu xốp do chính tay chị thiết kế.
Anh Dargo Kusto, nhà ngoại cảm với mái tóc dài lãng tử, khiến khán giả trường quay ồ lên thích thú khi trao tặng chị một mặt dây chuyền bằng bạc mà anh nghiêm giọng nói rằng “đây là bùa hộ mệnh - hãy để lá bùa này đong đầy sức mạnh cho trái tim và tâm hồn chị”. Sau đó, anh còn dùng dùi gõ lên một vật trông giống cái chiêng làm bằng da dê và đi vòng quanh chị Phượng nhiều lần, lẩm bẩm vài câu thần chú khó hiểu chúc chị mau hết bệnh.
“Tôi cảm thấy rất vui. Tôi không ngờ họ lại thân thiện và dành nhiều tình cảm cho tôi đến như vậy” - chị Phượng hạnh phúc chia sẻ.
Theo QUỲNH TRUNG (TTO)
______________________
Kỳ tới: Khao khát làm mẹ