Có khi chỉ một con rệp bám vào quả sầu riêng, phải hủy cả lô hàng

(PLO)- Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dán nhãn và nhiễm chéo... là những nguyên nhân khiến trái cây Việt Nam dễ bị từ chối khi xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, EU...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 11-9, tại TP.HCM, Tổ chức phát triển công nghiệp liên Hợp Quốc (UNIDO) phối hợp với Viện cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Cục chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn, chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu trái cây Việt Nam”.

Video: Có khi chỉ một con rệp bám vào quả sầu riêng, phải hủy cả lô hàng

Việt Nam cần có hệ thống giám sát thường xuyên

Trao đổi tại hội thảo, ông Bahramalian Nima, Giám đốc Dự án Chương trình tiêu chuẩn, chất lượng UNIDO nhìn nhận, mỗi quốc gia khi xuất khẩu trái cây sẽ có những vấn đề khó khăn riêng.

Đối với Việt Nam, vấn đề khó khăn nhất hiện nay khi xuất khẩu trái cây là việc quản lý tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), dán nhãn, nhiễm khuẩn.

Đơn cử, trong năm 2020, nguyên nhân chính của các trường hợp bị từ chối của Việt Nam đối với rau quả xuất khẩu vào năm thị trường chính gồm dư lượng thuốc BVTV (25%), nhiễm khuẩn (23%) và ghi nhãn (21%). Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như giả mạo/thiếu giấy tờ (7%).

Ông Bahramalian Nima, Giám đốc Dự án Chương trình tiêu chuẩn, chất lượng UNIDO chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: THU HÀ

Ông Bahramalian Nima, Giám đốc Dự án Chương trình tiêu chuẩn, chất lượng UNIDO chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: THU HÀ

“Chính vì thế, để giải quyết vấn đề này trong sản xuất, xuất khẩu chúng ta cần có sự can thiệp đồng bộ của các bên liên quan. Cụ thể là của các đơn vị tư nhân, tức các nhà sản xuất, chế biến, xuất khẩu và cấp độ chính phủ.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần hiểu rõ yêu cầu thị trường nhập khẩu và các tiêu chuẩn áp dụng đi kèm. Tiếp theo là áp dụng công nghệ tăng cường hiệu quả về quản lý dư lượng thuốc BVTV, nâng cao chất lượng hàng hóa.

Bên cạnh đó, chính phủ cần phải thiết lập và duy trì hệ thống đảm bảo chất lượng trong ngành sản xuất nông nghiệp nói chung và trái cây nói riêng.

Chúng ta cần có hệ thống theo dõi, giám sát thường xuyên, đặc biệt là các vấn đề hay bị các quốc gia nhập khẩu từ chối.

Chính phủ cũng cần tăng cường thanh, kiểm tra và đào tạo năng lực, hiểu biết cho cán bộ, doanh nghiệp khi xuất khẩu” - Giám đốc Dự án Chương trình tiêu chuẩn, chất lượng UNIDO kiến nghị.

Người thay đổi đầu tiên phải là nông dân

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Ngô Tường Vy, Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho rằng hiện nay không chỉ Trung Quốc mà các quốc gia như Mỹ, Úc, EU cũng đang siết chặt và có động thái kiểm tra nghiêm ngặt dư lượng thuốc BVTV và các sinh vật gây hại đối với trái cây tươi Việt Nam.

Ngoài việc tuân thủ yêu cầu nhập khẩu, thì giá cả hàng hóa, logistics, bảo quản, sản xuất bền vững cũng là yếu tố cạnh tranh.

Bên cạnh đó, trong dài hạn Việt Nam phải nhìn nhận tác động từ biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng hơn cả. Vì khoảng 10 năm nữa, nếu khu vực trồng trái cây nhiều nhất Việt Nam là Đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sản xuất và năng lực xuất khẩu.

Ông Bahramalian Nima

Mặc dù bản thân các doanh nghiệp khi xuất khẩu đều ý thức được việc đảm bảo tiêu chuẩn ở các nước sở tại, loại bỏ hàng không đảm bảo ngay tại nhà máy nhưng vẫn không thể đảm bảo 100% không có sai sót.

“Việc kiểm soát sản phẩm từ vùng nguyên liệu là rất khó khăn. Ví dụ, chỉ cần có một con rệp nhỏ bám vào gai một quả sầu riêng, mắt thường không thấy được, khi qua hải quan nước bạn phát hiện ra thì cả lô hàng đó buộc phải hủy. Khi đó không chỉ ảnh hưởng kinh tế mà còn ảnh hưởng đến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Vì thế, điều quan trọng nhất là chúng ta phải canh tác tốt ở vùng nguyên liệu và người thay đổi đầu tiên phải là nông dân và vai trò của chính quyền rất quan trọng trong việc đào tạo kỹ năng và thay đổi nhận thức của nông dân trong nông nghiệp” - bà Vy nhấn mạnh.

Bà Vy kỳ vọng với việc nâng cao chất lượng hàng hóa và sự xúc tiến của các cơ quan chức năng, tình hình xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ có nhiều triển vọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm