Liên quan đến vụ “Điều tra viên sốt sắng gọi người nhà bị can trả nợ” mà chúng tôi đã phản ánh, ngày 19-3, ông Nguyễn Văn Bốn - Viện trưởng VKSND huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, thông tin: “Hiện tôi đã báo cáo toàn bộ vụ án gửi lãnh đạo VKS tỉnh. Việc công an, VKS có hình sự hóa một tranh chấp dân sự hay không, phải chờ kết luận cuối cùng của lãnh đạo VKS, công an tỉnh. Tôi không bình luận gì về vụ án này, phải chờ kết luận cuối cùng của cấp trên”.
Hai bên đang tranh cãi nợ nần thì bị bắt
Theo ông Bốn, qua kiểm tra hồ sơ vụ án cho thấy đây là vụ việc tranh chấp khá phức tạp. Phía bà Búp cho rằng chỉ giao dịch mua bán với bà B. Bà Búp lấy lý do bà B. còn nợ tiền bà Búp nên khi nhận hai container điều của bà B. thì bà Búp chỉ thanh toán một nửa tiền, container còn lại (hơn 800 triệu đồng) bà Búp không thanh toán mà để cấn trừ nợ với bà B. Việc cấn nợ này bà B. không đồng ý. Sau đó xuất hiện bà T. và bà T. cho rằng hai container hạt điều mà bà B. bán cho bà Búp là của mình nên tố cáo đến công an.
Còn theo thu thập của chúng tôi, trong các đoạn băng ghi âm thể hiện: Trước khi bà Búp bị bắt, giữa bà Búp và bà B. đã gặp nhau để thỏa thuận việc trả nợ. Bà B. yêu cầu bà Búp trả nốt tiền container điều, còn số tiền bà B. nợ bà Búp thì bà B. sẽ trả vào ngày 28, 29 tết và hai bên xảy ra cãi vã, bà B. dọa sẽ tố cáo sự việc đến công an.
Bà Búp được tại ngoại, về nhà tối 18-3 sau hơn một tháng bị tạm giam. Ảnh: NĐ
Tại các buổi gặp mặt giữa bà B. và bà Búp đều có mặt bà T. Tuy nhiên, bà T. không yêu cầu gì với bà Búp. Việc tranh cãi nợ nần chỉ xảy ra giữa bà Búp và bà B.
Trao đổi với chúng tôi, bà Búp khẳng định: “Tôi không hề giao dịch mua bán gì với bà T. và trong khi tôi và bà B. thỏa thuận việc trả nợ thì bị công an bắt. Tôi có giải thích với công an và liên tục kêu oan nhưng họ nói tôi có tội!”.
Chúng tôi đã liên lạc với bà T. để xác minh bà có bán hai contaner điều cho bà Búp hay không, bà T. nói: “Mọi việc tôi đã cung cấp cho công an rồi” và không xác nhận về việc có bán hai contaner điều cho bà Búp hay không...
Bắt vội vã, chưa làm rõ các dấu hiệu
Trao đổi với chúng tôi về vụ án trên, một lãnh đạo VKSND tỉnh Bình Phước cho biết: “Qua kiểm tra ban đầu cho thấy vụ việc xuất phát từ các tranh chấp nợ nần giữa bà Búp và bà B. Lẽ ra trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cơ quan tố tụng huyện Bù Gia Mập nên báo cáo cơ quan tố tụng cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo. Bởi vụ này các dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bà Búp chưa rõ. Bà Búp không bỏ trốn và đang thỏa thuận với bà B. về phương án trả nợ… Như vậy việc bắt khẩn cấp là vội vã, không phù hợp với quy định pháp luật”.
“Về nguyên tắc, cơ quan tố tụng phải thu thập toàn diện các chứng cứ, suy đoán theo hướng có lợi cho nghi can, bị can chứ không thể vội vã bắt người - nhất là trong các tranh chấp dân sự. Bởi tiềm ẩn nguy cơ gây oan, sai cao!” - vị lãnh đạo VKSND tỉnh Bình Phước nói.
Một lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Phước nhận định: “Với những thông tin mà báo đã phản ánh cho thấy vụ việc các cơ quan tố tụng huyện Bù Gia Mập có biểu hiện lạm quyền khi chưa làm rõ các dấu hiệu phạm tội đã khởi tố, bắt tạm giam đương sự. Ban Nội chính Tỉnh ủy sẽ theo dõi vụ án này để có kiến nghị xử lý, tránh xảy ra oan sai”.
VKSND Tối cao yêu cầu báo cáo, làm rõ Đại tá Trần Thắng Phúc - Phó Giám đốc Công an, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước thông tin sơ bộ: “Sau khi báo phản ánh về vụ án, lãnh đạo công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng ban liên quan làm rõ các thông tin. Khi nắm vụ việc, tôi đã giao cho công an huyện có đề xuất gửi VKS cùng cấp thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bà Búp vì thấy không cần thiết phải tạm giam. Còn vụ việc dân sự hay hình sự thì công an tỉnh vẫn đang làm rõ, chưa thể kết luận ngay. Riêng với cán bộ có liên quan đến việc gọi điện thoại cho người nhà bị can để yêu cầu nộp tiền thì công an tỉnh cũng đang tiếp tục xác minh, xử lý”. Cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo VKSND Tối cao cho biết đã yêu cầu lãnh đạo VKSND tỉnh Bình Phước báo cáo các thông tin liên quan đến vụ án trên, làm rõ việc phê chuẩn bắt tạm giam bà Búp. Hình sự hóa quan hệ dân sự Qua theo dõi trên báo, chúng tôi thấy vụ án trên chỉ là tranh chấp dân sự nhưng cơ quan tố tụng đã hình sự hóa để bắt giam công dân. Đây là việc làm tùy tiện, không tuân thủ các quy định pháp luật. Bởi lẽ dấu hiệu, căn cứ của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong vụ án này là không có cơ sở. Luật sư HOÀNG KIM VINH, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phải làm rõ dấu hiệu chiếm đoạt Theo quy định của BLHS hiện hành, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140) dựa trên các dấu hiệu sau: Người chiếm đoạt tài sản một cách ngay thẳng, hợp pháp thông qua hợp đồng rồi chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản đó. Việc chiếm đoạt bằng một trong ba cách: Dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt; bỏ trốn để không trả lại tài sản; sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại được tài sản đó. Nếu không thỏa mãn các dấu hiệu trên, không thể kết tội bà Búp về tội danh đã bị khởi tố. Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND |