Cổ vật bốc hơi (kỳ 2): ​Tiền tỉ dưới nước

Ngư dân Tư Lành (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bên một số hiện vật trục vớt được từ vùng biển Cù Lao Chàm tháng 9-2012 - Ảnh: Thái Lộc

Nhưng trên thực tế cổ vật từ đáy biển, lòng sông hay trong lòng đất đã và đang được khai thác và mua bán ồ ạt, chủ yếu là vận chuyển theo con đường phế liệu.

Đặc biệt, nạn lặn trộm cổ vật biển diễn ra nhiều nơi.

Còn nước là còn đồ cổ

Tháng 7-2013, Thành - một tay buôn cổ vật quen thuộc ở Huế - nhận được cuộc điện thoại từ ông Hoàng, một chủ quán tạp hóa ở vùng biển Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, mời mua đồ cổ thời Minh vừa được trục vớt.

Chiếm phần lớn trong hơn 1.000 món này là đồ gốm bán sứ, gồm khoảng 400 chiếc đĩa và hơn 500 tô lớn nhỏ. Rất đáng giá trong số này là 35 bầu rượu bằng sứ, hai cặp ngà voi và năm khẩu thần công bằng gang nhiều kích cỡ.

Ban đầu ông Hoàng ra giá 1,4 tỉ đồng. Hai ngày sau, ông Hoàng điện thoại giảm giá xuống còn 900 triệu đồng với điều kiện giao tiền gấp trong ngày, nhưng Thành cũng không sắp xếp được việc nhà để vào mua.

“Nhìn qua ảnh thấy đồ rất quý và dễ bán. Nhưng đợt đó bận quá không vào được nên giới thiệu cho một thương lái từ TP.HCM ra mua, họ mua đến 1,2 tỉ đồng. Nghĩ đến chừ tui còn tiếc vì đó toàn đồ bán được giá!” - Thành cho biết.

Theo lời Thành, ông Hoàng là người chuyên cung cấp các vật liệu đi biển cho ngư dân trong xã mình sinh sống nên cũng là người gom đồ vớt từ biển ở khu vực này. Ông cần bán gấp vì phải có tiền nhanh chóng để cung cấp hàng hóa cho những dân lặn tiếp tục ra biển lặn vớt.

Và ông Hoàng cũng chỉ bán đồ cho những người ngoại tỉnh, càng xa càng tốt. Nếu gọi bán cho các thương lái trong tỉnh Phú Yên hoặc ở Bình Định, Khánh Hòa, thậm chí ở Quảng Ngãi, họ sẽ đến mua ngay, được giá. Nhưng kèm theo đó là càng bán gần càng dễ bị lộ.

Vùng ven biển ở khu vực Nam Trung bộ hiện nay chứ không riêng gì Phú Yên, làng nào cũng có nhóm thanh niên lặn biển trục vớt đồ cổ, có làng đến vài nhóm. Chỉ cần biết có việc mua bán, các nhóm sẽ thuê người theo dõi và lần ra ngay chỗ có tàu chìm. Và khi đã bị lộ coi như mất trắng...

Không ai thống kê được số vụ trục vớt và mua bán cổ vật biển cũng như lòng sông trong mấy chục năm qua khi mọi hoạt động diễn ra bí mật và trải dài hầu khắp duyên hải các tỉnh từ Quảng Trị đến tận Kiên Giang.

Giới chuyên môn gọi “con đường gốm sứ” để chỉ tuyến hàng hải từ các nước phương Đông như Nhật Bản, Trung Quốc... trên hành trình đến các nước phương Tây hàng trăm năm trước.

Với giới buôn cổ vật, khái niệm này để chỉ suốt chiều dài vùng biển có tàu chìm vớt được nhiều cổ vật. Thậm chí họ gọi một số khu vực biển thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Cà Mau là những “mỏ cổ vật” vì mật độ tàu chìm có chứa gốm sứ quá dày đặc.

Hay nói như một người buôn: “Đồ dưới biển nhiều như rứa, tỉnh mô cũng có. Cứ có cảm giác nước ngoài biển còn thì đồ cổ còn, lặn hoài không hết!”.

Hiện nay hễ vớt được đồ quý, dân lặn chỉ cần điện thoại, dân buôn sẽ đến ngay tận bờ biển để đón. Có trường hợp vớt nhiều đồ quý, tàu lặn vào chưa đến bờ người mua đã lên thuyền đi ra tận ngoài khơi và việc mua bán diễn ra ngay trên mặt biển.

Hai khẩu thần công bằng đồng thời Nguyễn đang được giới buôn chào 500 triệu đồng - Ảnh: H.Hoàng

Con đường phế liệu

Loại hiện vật trục vớt được mua với giá cao bậc nhất hiện nay chính là súng thần công trục vớt từ lòng sông.

Giữa tháng 1-2014 ngay trước Tết Nguyên đán, một người buôn ở TP Biên Hòa chào bán hai khẩu thần công vừa được người dân trục vớt được trên sông Đồng Nai.

Cả hai đều bằng đồng thau, khắc niên đại thời chúa Nguyễn, có chạm hoa văn phong cách Tây Âu, khẩu lớn dài 1m, nặng 70kg và khẩu còn lại dài 75cm, nặng hơn 50kg.

Giá ban đầu đưa ra cho người buôn trong khu vực 200 triệu đồng. Ngay sau tết, một lái buôn từ miền Bắc vào mua kèm theo tiền hoa hồng cho các mối lái với tổng chi phí hơn 300 triệu đồng.

Tương tự vào cuối năm 2012, dân buôn cổ vật ở miền Trung được ông Phan V. ở TP Quảng Ngãi chào bán khẩu thần công “loại lớn, đẹp tuyệt mỹ”. Khẩu súng được người bán cho hay vừa được trục vớt trên sông Trà Khúc tại TP Quảng Ngãi.

Ông Nguyễn Văn H., một dân buôn ở Huế, đã tức tốc nhảy xe vào xem và bị “hớp hồn” bởi nó quá quý hiếm.

Dài hơn 2m, nặng 3,5 tạ, bằng đồng thau, chạm nổi hoa văn dây lá tinh xảo quanh ụ súng, quanh thân, đôi quai và giữa các gờ chỉ ở nòng súng...

Theo các chữ Hán ghi ở gần lỗ châm ngòi, súng được đúc vào năm Gia Long thứ 6, tức năm 1807, kèm theo rất nhiều tên tuổi và ban bệ của triều đình...

Khẩu thần công ban đầu được hô giá 400 triệu đồng, ông H. rất thích mua nhưng vì quá lớn và quý giá, sợ khó di chuyển nên không dám. Chưa đầy một tháng sau, một chủ vựa phế liệu ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, Quảng Trị đã vào mua về.

Nghe đâu trước đó, một vị giám đốc cơ quan nhà nước ở Huế đã đến xem hiện vật, đặt vấn đề giá cả và được hô 1 tỉ đồng nên người này chào thua.

Khẩu súng sau đó được chuyển ra miền Bắc bán cho các vị đại gia đưa vào trưng bày tại một biệt phủ ở Hà Nội.

Theo những người buôn ở Huế, hầu hết người mua thần công đều là “đại gia” ở đất Bắc và mua súng thông qua các mối lái ở Hà Nội.

Có hai người khá tiếng tăm trong giới đã vào tận tỉnh Quảng Trị để mở vựa phế liệu, một người tên P. mở ở TP Đông Hà và một người tên H. mở ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

“Việc thu mua phế liệu trên bề mặt thì chuyển ra Bắc hoặc chuyển theo quốc lộ 9 sang Lào. Nhưng hoạt động chính, với những mối lợi nhuận kếch sù ở đằng sau nó, chính là thu mua cổ vật. Phần lớn vụ di chuyển cổ vật lớn, như các khẩu thần công hoặc trống đồng trái phép trong thời gian qua, từ Quảng Bình vào tận Tây nguyên và miền Nam chủ yếu theo các xe phế liệu của hai chủ vựa phế liệu này!” - Trần G., một người buôn đồ cổ ở Huế, cho biết.

Kỳ tới: Trộm ở Hoàng thành

Theo THÁI LỘC (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới