Coi chừng ‘phi tội phạm hóa’ khi chuyển hướng cho người chưa thành niên vi phạm nghĩa vụ

(PLO)- “Bỏ trốn thì phải có hình thức xử lý nghiêm khắc hơn, để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung” - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh nêu quan điểm.

Sáng 23-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự luật Tư pháp người chưa thành niên. ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, đã nêu một số băn khoăn, đặc biệt là về các nội dung liên quan đến giải quyết trường hợp người chưa thành niên (NCTN) chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng vi phạm nghĩa vụ hoặc phạm tội mới.

Tại kỳ họp thứ 7 hồi giữa năm 2024, một số ý kiến đã góp ý về các quy định này.

Băn khoăn tác dụng phòng ngừa chung

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ nêu: “BLHS hiện hành không quy định chế tài xử lý đối với NCTN được áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục, biện pháp tư pháp nhưng vi phạm nghĩa vụ dẫn đến “nhờn” luật và gây tâm lý e ngại cho cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng các biện pháp này thời gian qua. Do đó, dự thảo Luật đã bổ sung chế tài áp dụng trong trường hợp NCTN được áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng vi phạm nghĩa vụ

“Tôi rất băn khoăn về tính phòng ngừa chung của những quy định này”, Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM nói.

Dẫn chiếu cụ thể các quy định dự kiến trong dự luật, ĐB Hồng Hạnh liệt kê: Điều 58 quy định Người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng phạm tội mới chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mới.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP.HCM) bày tỏ băn khoăn về một số quy định trong dự luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: QH

Điều 82 về Giải quyết trường hợp người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng vi phạm nghĩa vụ quy định NCTN chỉ bị xem xét gia hạn hoặc thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng hoặc đình chỉ thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng nếu tiếp tục phạm tội.

Hoặc Điều 94 khoản 8 quy định người phải chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng bị đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng khi họ bị khởi tố và tạm giam vì thực hiện hành vi phạm tội khác.

Khoản 5 Điều 95 về Giải quyết trường hợp người phải chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, bỏ trốn chỉ quy định hậu quả là phải chấp hành phần thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng còn lại.

“Những quy định nêu trên là chưa đảm bảo tính phòng ngừa chung đối với xã hội. Và tôi đồng tình ý kiến ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) rằng việc này ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sự bức xúc của người bị hại và gia đình họ”, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhận xét.

Hết bảo lãnh mà NCTN bỏ trốn thì sao?

ĐB Hồng Hạnh phân tích tiếp: “Điều 38 dự thảo quy định về trường hợp được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng chỉ xác định theo độ tuổi, mức độ tội phạm, không xác định theo tội danh cụ thể. Đến Điều 39 dự thảo chỉ quy định một số ít hành vi tội phạm không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, dẫn đến nhiều tội phạm dù mang tính chất nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn có khả năng được phi tội phạm hóa nếu NCTN được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng như một số tội mà ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) có trích dẫn”.

Ngoài ra, theo Điều 106 về giải quyết trường hợp học sinh có việc tang dự kiến quy định một trong những điều kiện giải quyết cho NCTN về gia đình là thân nhân gia đình có đơn xin bảo lãnh. Tuy nhiên, khi hết thời gian được về gia đình, mà NCTN trốn, thì cũng chỉ quy định Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định truy tìm mà không quy định chế tài nào đối với thân nhân gia đình hay bản thân NCTN vi phạm cam kết.

“Quy định như vậy là không phù hợp, không có tính nghiêm khắc, NCTN đã bỏ trốn thì phải có hình thức xử lý nghiêm khắc hơn, để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung”, ĐB Hồng Hạnh phân tích.

ĐB Hồng Hạnh dẫn quy định của BLHS, theo đó, người bị kết án tù có thời hạn nhưng được hưởng án treo, trong thời gian thử thách cố ý vi phạm nghĩa vụ hai lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt.

“Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc áp dụng nguyên tắc tương tự khi NCTN vi phạm nghĩa vụ hay phạm tội khác”- ĐB Hồng hạnh nói.

“Với các quy định như dự thảo hiện nay liên quan NCTN vi phạm nghĩa vụ hoặc phạm tội khác trong thời gian chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng, liệu có khắc phục được hạn chế của tình trạng “coi thường pháp luật” và gây tâm lý e ngại cho cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng các biện pháp này thời gian qua, như báo cáo của UBTVQH không?”, ĐB Hồng Hạnh nêu băn khoăn và đề nghị cân nhắc.

Quy định rõ hồ sơ

Điều 94. Hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng

Khoản 1 quy định hai trường hợp được hoãn chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng: Bị bệnh nặng, đang cấp cứu hoặc vì lý do sức khỏe khác mà không thể đi lại được và được bệnh viện xác nhận; Có lý do chính đáng khác được Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xác nhận.

Tuy nhiên, thành phần hồ sơ tại khoản 2 thì không thể hiện có giấy tờ chứng mình cho trường hợp có “lý do chính đáng khác” tại điểm b khoản 1 điều 94. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới