Coi chừng virus Zika đã có ở Việt Nam

Ngày 25-3, Sở Y tế, Viện Pasteur TP.HCM đã triển khai tập huấn công tác chọn bệnh, lấy mẫu giám sát virus Zika cho các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Lâm Đồng. 

Có khả năng chẩn đoán virus Zika

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, từ thứ Hai (28-3), trong thời gian hai tuần, các BV như Nguyễn Tri Phương, Bệnh nhiệt đới, Gia Định, Xuyên Á, Đa khoa khu vực Củ Chi, khu vực Hóc Môn, khu vực Thủ Đức và 23 BV quận, huyện thực hiện công tác thu thập mẫu, gửi mẫu về Viện Pasteur để xét nghiệm tầm soát virus Zika. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, hai BV cấp I, II của tỉnh Lâm Đồng cũng thực hiện thu thập mẫu. Tổng số mẫu dự kiến lấy là 1.600 mẫu.

Tại buổi tập huấn, TS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nhận định qua trường hợp du khách người Úc đi du lịch ở Việt Nam trở về phát hiện nhiễm virus Zika thì khả năng virus Zika đã lưu hành trong nước ta là rất cao.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết BV được giao lấy 100 mẫu. “Từ thứ Hai tuần tới, BV sẽ lấy mỗi ngày 10 mẫu. Đối tượng lấy mẫu là người bệnh có sốt hoặc phát ban trong vòng năm ngày nghi ngờ nhiễm virus Zika, lấy ngẫu nhiên, sau đó bảo quản lạnh chuyển về Viện Pasteur xét nghiệm nghiên cứu tầm soát” - TS-BS Châu nói.

Theo BS Châu, người nhiễm virus Zika có dấu hiệu sốt nhẹ rồi hết sau 4-6 ngày như cảm cúm, không có biến chứng (với người bình thường không mang bầu), bệnh cũng không có thuốc đặc trị. Bệnh có thể có thêm triệu chứng đau nhẹ cơ, khớp, nhức đầu, nổi chấm đỏ như phát ban. Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh trước khi phát bệnh trong vòng 12 ngày.

Tuy nhiên, những phụ nữ có thai trong vòng ba tháng đầu nếu sốt, nghi ngờ nhiễm virus Zika thì cần tầm soát.

“Phòng xét nghiệm của BV có khả năng chẩn đoán được virus Zika. Với trường hợp nặng, nghi ngờ nhiễm virus Zika thì bác sĩ sẽ cho nhập viện để chẩn đoán. Tuy nhiên, đến nay BV chưa có ca nào để xử lý” - BS Châu cho biết thêm.

Nhân dân phường Đông Hưng Thuận (quận 12, TP.HCM) tham gia làm vệ sinh môi trường, phòng bệnh do virus Zika. Ảnh: TRẦN NGỌC

Sẽ mở rộng các điểm kiểm tra

BS Lương Chấn Quang, Phó Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (Viện Pasteur TP.HCM), cho biết trong đợt giám sát nhanh vào tháng 2 và tháng 3-2016 tại tám BV khu vực phía Nam, tiêu chuẩn chẩn đoán yêu cầu phải có triệu chứng sốt. Trong khi đó, nghiên cứu vụ dịch bệnh ở đảo Yap (thuộc quần đảo Caroline ở Tây Thái Bình Dương - PV) cho thấy triệu chứng phát ban chiếm 90% ca bệnh, còn sốt chỉ chiếm 65%. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán bao gồm ca bệnh phát ban hoặc sốt và ít nhất một trong các triệu chứng khác theo danh mục. “Có thể do tiêu chuẩn chẩn đoán của nước ta trong thời gian qua quá chặt khiến không phát hiện được ca bệnh” - BS Quang trình bày.

Theo BS Quang, do số BV giám sát ít và trải rộng cũng góp phần làm hạ thấp khả năng “bắt” được ca bệnh. Vì vậy, cần mở rộng nhiều điểm giám sát hơn ở nơi nguy cơ nhiễm bệnh cao.

PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết từ đầu năm 2016, Viện Pasteur đã thu thập được 323 mẫu bệnh phẩm. Tuy nhiên, xét nghiệm của tất cả mẫu bệnh phẩm trên đều chưa phát hiện virus Zika. Hiện nay, việc xét nghiệm virus Zika tại Viện Pasteur TP.HCM được Bộ Y tế cung cấp đủ và không phải trả tiền.

Sắp tới, Viện Pasteur tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn người dân tự xử lý các dụng cụ chứa nước, truyền thông nguy cơ và biện pháp phòng, chống tại cộng đồng và khu vực cửa khẩu. Đối với các điểm nguy cơ cao có thể lưu hành virus Zika bao gồm khu lưu trú và khu du lịch tập trung nhiều người nước ngoài, cơ quan y tế trên địa bàn cần tiến hành điều tra và xử lý véc-tơ truyền bệnh do virus Zika.

Hạn chế du lịch đến vùng có dịch

Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ có thai nên hủy bỏ/hạn chế đi du lịch hoặc đến những vùng đang có dịch Zika. Trường hợp phải đi đến những vùng đang có dịch Zika phải đến bác sĩ để tham vấn, kiểm tra sức khỏe trước và sau chuyến đi. Trong thời gian lưu trú tại vùng dịch phải tự phòng ngừa muỗi đốt, theo dõi chặt tình trạng sức khỏe và đi khám ngay khi có dấu hiệu bị bệnh Zika như sốt, phát ban.

Những người đi/về từ vùng dịch do virus Zika nên tự khai báo khi có biểu hiện bệnh. Tốt nhất là tự cách ly để phòng, chống muỗi đốt trong vòng 12 ngày kể từ khi có biểu hiện bệnh để giảm thiểu sự tiếp xúc giữa người và muỗi.

Đối với người được xác định bị bệnh Zika: Cần thực hiện các biện pháp tự cách ly, tránh muỗi đốt trong ít nhất bảy ngày để hạn chế sự phát tán mầm bệnh cho cộng đồng.

_____________________________

Đối tượng nghi ngờ nhiễm virus Zika với tiêu chuẩn chẩn đoán như sau: Bệnh khởi phát trong vòng năm ngày. Có các triệu chứng phát ban hoặc sốt và một trong các biểu hiện như viêm kết mạc không mủ/xung huyết kết mạc, đau cơ, đau khớp, đau đầu. Ngoài ra, đối tượng giám sát còn là ca bệnh nghi ngờ và có tiền sử ở/đi/đến từ khu vực có dịch hoặc nghi ngờ dịch bệnh do virus Zika trong vòng 12 ngày trước khi khởi phát.

BS LƯƠNG CHẤN QUANG, Phó Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (Viện Pasteur TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm