Con đường ngàn tỉ phải chờ 2 hộ dân giao mặt bằng

(PLO)- Tuyến đường Võ Chí Công (Quảng Nam) đang chờ hai hộ dân bàn giao mặt bằng để hoàn thành làn đường phía Đông từ dốc Diên Hồng đến Cầu Cửa Đại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đường Võ Chí Công là một trong những con đường đẹp bậc nhất của tỉnh Quảng Nam, đã có một làn xe, thông toàn tuyến. Tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện làn đường phía Đông từ dốc Diên Hồng đến cầu Cửa Đại, hình thành tuyến đường hai chiều.

Trước đó, đường Võ Chí Công đã được đầu tư nhiều giai đoạn. Tổng mức đầu tư toàn tuyến đến nay hơn 7.000 tỉ, từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Trong đó, phần đang thi công hơn 700 tỉ, vốn vay Ngân hàng phát triển Châu Á 584 tỉ và vốn đối ứng ngân sách tỉnh Quảng Nam 116 tỉ.

Đường Võ Chí Công là một trong những con đường đẹp bậc nhất của tỉnh Quảng Nam. Ảnh: THANH NHẬT

Đường Võ Chí Công là một trong những con đường đẹp bậc nhất của tỉnh Quảng Nam. Ảnh: THANH NHẬT

2 hộ dân chưa bàn giao đất

Theo ghi nhận, toàn tuyến cơ bản hình thành hai chiều xe chạy. Tuy nhiên, làn ngược chiều đang thi công vẫn còn nhiều vị trí chưa được đổ đất đá, thảm nhựa. Một trong những nguyên nhân chính là hai hộ dân chưa chấp thuận giao đất.

Hộ bà Nguyễn Thị Thơ (ngụ thôn Sơn Viên, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) bị ảnh hưởng bởi tuyến đường từ năm 2009. 10 năm chờ đợi, năm 2019, bà Thơ được bố trí đất tái định cư và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ để nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ).

Mặc dù gia đình đã xây nhà trên đất được bố trí, nhưng bà chưa nhận được sổ đỏ. Do đó, bà Thơ không đồng ý bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công hoàn thành phần đường qua diện tích đất của bà. “Nhà nước hẹn nhiều lần nhưng không cấp sổ đỏ cho tôi. Tôi cũng như những hộ khác, tại sao họ có sổ đỏ mà tôi lại chưa có? Tôi không ngăn cản ai, tôi yêu cầu phải cấp bìa đỏ thì tôi mới giao đất”, bà Thơ nói.

Tương tự, tại xã Bình Dương (huyện Thăng Bình), ông Võ Văn Ngọc (43 tuổi) cũng chưa chấp thuận bàn giao đất cho dự án. Ông cho rằng thủ tục áp giá đền bù được thực hiện vào năm 2013 không đúng với mục đích sử dụng đất ghi trong sổ đỏ, dẫn đến đền bù không thoả đáng.

“Đất của gia đình tôi là đất lúa, năm 2013 cơ quan chức năng thu hồi đất, áp giá đền bù loại đất màu. Như vậy mức đền bù thấp hơn, quyền lợi chính đáng của tôi không được giải quyết. Tôi không có ý định cản trở lực lượng chức năng thi công, nhưng quyền lợi của tôi cần được giải quyết thoả đáng”, ông Ngọc nói.

Tiếp tục vận động, cố gắng thông xe trước tết

Ông Đặng Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Bình Dương, cho biết đường Võ Chí Công đi qua địa bàn xã dài 4,7km, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã được đền bù, tái định cư nhưng có một hộ dân đến nay chưa chấp thuận bàn giao mặt bằng, địa phương đang tiếp tục vận động.

Đoạn đường qua vị trí đất của ông Ngọc chưa thể triển khai thi công. Ảnh: THANH NHẬT

Đoạn đường qua vị trí đất của ông Ngọc chưa thể triển khai thi công. Ảnh: THANH NHẬT

“Bìa đỏ của người dân ghi là đất lúa - màu, thời điểm kiểm đếm là lúc họ trồng cây màu, do đó mức giá đền bù thấp. Nếu đất của ông này kiểm kê vào mùa trồng lúa có lẽ sẽ đền bù mức giá cao hơn”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, cho biết do cơ chế có sự thay đổi nên nguyện vọng của người dân chưa được giải quyết. Địa phương sẽ tiếp tục họp, vận động để hộ bà Thơ bàn giao đất cho dự án. Theo ông Đức, vì quyền lợi của bà Thơ chưa được giải quyết nên không thể áp dụng biện pháp bảo vệ thi công.

Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các Công trình giao thông tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Tâm, cho biết dự án đang hoàn thiện theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, hai trường hợp chưa chấp thuận bàn giao đất.

“Ban sẽ phối hợp với địa phương vận động người dân bàn giao đất, đẩy nhanh tiến độ để dự án thông xe trước Tết Nguyên đán 2023”, ông Tâm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm