Kết quả này khiến dư luận, nhất là những người theo dõi sát sao phiên xử, thỏa mãn bởi những nghi ngờ về việc lọt người, lọt tội đã được tòa ghi nhận.
Về “số phận” của BS Lương, dù muốn nhưng không thể đòi hỏi HĐXX phải ngay lập tức tuyên vô tội. Bởi lẽ về thẩm quyền, tòa có quyền trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và tòa cũng đã yêu cầu cụ thể: “Làm rõ có hay không vi phạm của BS Lương”. Nghĩa vụ chứng minh bị can có tội hay không thuộc trách nhiệm của cơ quan CSĐT và VKSND TP Hòa Bình. Sau khi điều tra lại nếu thấy không đủ chứng cứ thì khi ấy tòa tuyên BS Lương vô tội cũng chưa muộn.
Hai người bị kiến nghị khởi tố là phó giám đốc bệnh viện (BV) (thời điểm xảy ra sự cố là trưởng khoa Hồi sức tích cực) và trưởng phòng vật tư thiết bị BV về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. HĐXX cũng rất sòng phẳng khi đã kiến nghị xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc ban hành các văn bản, của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình trong việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của BV...
Mặt khác, phiên tòa đã diễn ra dân chủ, khách quan theo tinh thần cải cách tư pháp. Đặc biệt quyền bào chữa của bị cáo được thể hiện rõ nét qua việc tranh tụng công khai, giúp HĐXX “vỡ” ra nhiều vấn đề.
Thế nhưng một vấn đề chưa làm thỏa mãn dư luận là việc vì sao HĐXX chỉ kiến nghị xem xét trách nhiệm của cựu giám đốc BV Hòa Bình - ông Trương Quý Dương và giám đốc Công ty dược phẩm Thiên Sơn mà không phải là kiến nghị khởi tố với hành vi cụ thể như hai trường hợp trên. Cụ thể, HĐXX chỉ kiến nghị làm rõ trách nhiệm của hai ông trong việc ký hợp đồng mua bán cũng như sửa chữa, bảo dưỡng máy móc chạy thận tại BV Hòa Bình.
Ai cũng biết suốt 12 ngày diễn ra phiên xử, hai người luôn là tâm điểm để luật sư bảo vệ cho BS Lương truy vấn về trách nhiệm và nguyên nhân gây ra sự cố. Không phải ngẫu nhiên mà các luật sư nói thẳng rằng cơ quan điều tra đã bỏ lọt hành vi phạm tội của hai vị này. Nhưng HĐXX vẫn chỉ xác định ông Dương là người liên quan và không chấp nhận lời đề nghị triệu tập khi ông này có đơn xin vắng mặt vì đã đi nước ngoài trước đó.
Thậm chí một luật sư còn đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của cơ quan điều tra và VKS trong việc không kịp thời cấm xuất cảnh đối với ông Dương. Đề nghị này hẳn có lý vì hệ lụy của nó là quá trình điều tra bổ sung nếu ông Dương không có mặt ở Việt Nam thì sẽ gây trở ngại cho quá trình tố tụng. Phải chăng đây cũng là một trong những lý do khiến tòa chỉ dừng lại ở mức kiến nghị “xem xét” trách nhiệm của ông Dương?