Công an nấu cháo giúp bệnh nhân nghèo

Một năm nay, cứ đúng 5 giờ 45 vào mỗi sáng thứ Sáu, các chiến sĩ Công an phường Tam Phú (quận Thủ Đức, TP.HCM) lại chở thùng cháo đến đặt trước sân của Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức để phát miễn phí cho người dân. Đây là sáng kiến của Trung tá Nguyễn Văn Tài, Trưởng Công an phường Tam Phú, nhằm giúp đỡ cho những bệnh nhân nghèo đến khám tại BV.

Nồi cháo của cái nghĩa, cái tình

5 giờ 30, anh Trần Trí Hiệp (bảo vệ dân phố phường Tam Phú, quận Thủ Đức) chở cháo đến trước cổng BV. Còn Trung tá Nguyễn Văn Tài cùng các đồng nghiệp của mình thì lo sắp đặt bàn ghế và các dụng cụ để phát cháo từ thiện. 15 phút sau, từng gói cháo nóng hổi được treo sẵn trên chiếc kệ nhỏ, người bệnh nào muốn ăn chỉ việc đến lấy.

Nhiều bệnh nhân đã tranh thủ đến để nhận cháo đã được chia sẵn. Có người lấy cho chính họ, có người lấy cho bạn cùng phòng, có người lấy cho người thân của mình. Nhiều người không biết đó là cháo miễn phí, móc tiền ra trả nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu và nụ cười thân thiện của các anh công an.

Tay cầm hai phần cháo, cô Nguyễn Đông Anh (quê Ninh Thuận) chia sẻ cô lên BV chăm sóc con phải nằm BV đã hơn hai tháng nay.

“Lúc đầu thấy mấy chú mặc áo công an tui không nghĩ là họ phát cháo đâu. Sau này, để ý thấy mỗi tuần mấy chú đều đến đây phát cháo miễn phí như vậy. Từ đó tôi ăn cháo của mấy chú nấu luôn, ngon mà nóng hổi. Với bệnh nhân nghèo như tụi tui thì như vầy là quá tử tế rồi” - cô Anh cười hớn hở.

Người dân nhận cháo miễn phí từ tay Thiếu úy Phạm Đắc Tài (Công an phường Tam Phú).  Ảnh: THANH TUYỀN

Sự tử tế được lan tỏa

Trung tá Nguyễn Văn Tài, người khởi xướng nồi cháo tình nghĩa này, chia sẻ những lần đi thực tế ở BV, tận mắt chứng kiến nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo của bệnh nhân, thức ăn không được như ý muốn, chung quanh BV lại không có đồ ăn ngon nên đã trăn trở rất nhiều.

“Mình thấy nhiều người ở tỉnh lên thương lắm, có ăn thì mới có sức mà chăm bệnh chứ. Họ lại khó khăn, cuộc sống chẳng mấy khá giả. Lại thấy chỉ có cháo mới là món mà người bệnh dễ nuốt nhất khi bệnh. Người nhà mà muốn đổi khẩu vị thì cũng có thể dùng nên mới nghĩ ra việc nấu cháo phát cho mọi người”- Trung tá Tài nói.

Ban đầu, vì không biết lấy kinh phí đâu ra để làm nên Trung tá Tài chủ động chia sẻ với anh em cùng công tác ở phường và được hưởng ứng nhiệt tình, mỗi người ngỏ ý góp một phần từ tiền lương để làm.

Để có được từng phần cháo nóng hổi như vậy đến tay mọi người, đó là công sức của những người đàn ông còn vụng về việc bếp núc.

Cứ 5 giờ 30 chiều trước đó, anh Trần Trí Hiệp (bảo vệ dân phố phường Tam Phú) lại đi vo gạo để sẵn. Mấy chiến sĩ công an sau khi làm xong việc ở phường thì chạy qua nhà anh Hiệp phụ giúp. Người xắt cà rốt, người bằm thịt, người cắt khoai tây để sẵn... Sáng sớm hôm sau, anh Hiệp thức dậy nhóm lửa, bắc lên nấu, họ lại cùng nhau nêm nếm gia vị sao cho vừa miệng nhất.

Anh Hiệp chia sẻ điều kiện gia đình không khá giả gì nên anh chỉ biết giúp bằng cách là đảm nhiệm phần nấu chính rồi nhờ anh em phụ thêm. “Mình làm vậy cũng thấy vui lây. Tranh thủ chút thời gian là mình giúp được nhiều người có buổi sáng ngon miệng rồi. Nấu không biết có ngon không nhưng mọi người bảo ăn được là mình vui” - anh Hiệp cười hiền.

Trung tá Tài thì bảo không có anh Hiệp bảo vệ dân phố thì nồi cháo sẽ không duy trì lâu như thế được, vì đàn ông nên ai cũng không đủ kiên nhẫn ngồi cắt từng loại củ, quả như vậy. “May sao anh Hiệp nhiệt tình và có cái tâm nên mới duy trì được lâu dài như vậy, chứ công an chúng tôi cũng bận nhiều chuyện nên nhiều khi không chu toàn được” - Trung tá Tài cười nói.

Sau này, có bệnh nhân đến BV khám, thấy hành động của các anh liền đến hỏi thăm. Người phụ nữ này đã xin góp 2 triệu đồng/tháng. Còn một người khác khi biết đến việc làm này cũng đã tài trợ gạo cho các anh.

“Giờ cứ hết gạo nấu, tôi gọi cho chị là chị chở gạo xuống bỏ sẵn ở nhà anh Hiệp mà không lấy tiền. Chị bảo là muốn chung tay cùng làm việc tử tế với chúng tôi” - Trung tá Tài nói.

“Công an sao không lo đi bắt cướp mà lại đi nấu cháo từ thiện?” - tôi hỏi. Các anh công an cười xòa nói rằng thay vì giờ đó ngủ nướng thêm chút thì tranh thủ dậy sớm để có nồi cháo ngon cho bà con. Mọi việc nấu và phát cháo diễn ra từ sáng sớm và xong trước giờ hành chính của mỗi sáng thứ Sáu, điện thoại vẫn luôn trong chế độ sẵn sàng nghe để xử lý công việc khẩn.

Nhiều nơi có nồi cháo tình nghĩa của công an

Đầu tháng 10-2016, CLB thiện nguyện “Sao Tháng Tám” của Học viện Chính trị CAND phát động chương trình “Nồi cháo tình thương 1.000 đồng” tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. CLB sẽ nấu cháo và dành tặng 100 suất cháo miễn phí cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Viện. Cho đến nay, chương trình nhận được sự ủng hộ của đông đảo mọi người.

Còn tại BV Đa khoa huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), từ đầu năm 2016 đến nay, người bệnh ở đây đều được phát cháo miễn phí. Đây là chương trình do Đại tá Trần Quyết Liệt, Trưởng Công an huyện Mỹ Tú, khởi xướng. Đại tá Liệt có dịp đến BV Mỹ Tú và thấy người nghèo điều trị tại đây có bữa ăn sáng rất đạm bạc. Để cải thiện bữa ăn này, ông Liệt bàn với lãnh đạo BV là chuyển từ cháo trắng từ thiện sang cháo thịt và việc này sẽ do công an huyện đảm trách. Từ đó đến nay, nồi cháo nghĩa tình vẫn được duy trì để giúp đỡ cho người bệnh nghèo.

_____________________________________

Công an nấu cháo giúp bệnh nhân nghèo ảnh 2

Khi thấy người đến nhận cháo dần vơi đi, các chiến sĩ công an lại xách từng phần cháo lên từng phòng của khoa Nhi để phát (ảnh). Sở dĩ họ phát tận phòng vì sợ người chăm bệnh có con nhỏ không tiện đi xa.

Chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, các chiến sĩ công an đã phát trung bình 300-400 suất cháo cho những bệnh nghèo ở đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm