Chiều 29-6, liên quan đến vụ việc “hotgirl” Bella (tên thật là Đoàn Thúy Hà) đang gây xôn xao dư luận, Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã có buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về vụ việc này.
Mở đầu buổi làm việc, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, cho biết đây là buổi gặp mặt chia sẻ nên chỉ cung cấp những thông tin mà báo chí quan tâm, ông từ chối việc trả lời phỏng vấn riêng, đồng thời lưu ý báo chí cân nhắc thông tin để không ảnh hưởng đến cháu bé và mẹ cháu.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Ảnh: TUYẾN PHAN
Biểu hiện ban đầu không bình thường
Ông Nam cho biết vụ việc trên mạng xã hội được đơn vị theo dõi từ ngày 15-8-2017, khi đó đường dây tư vấn hỗ trợ bảo vệ trẻ em với chức năng của mình đã theo dõi, kết nối và xác minh thông tin.
Quá trình xác minh thông tin cho thấy nhân vật Bella xuất hiện trên MXH, sinh một bé trai tại BV đa khoa Hà Đông, sau đó đưa con về lại nơi cư trú để làm thủ tục khai sinh vào tháng 6-2017. Thời gian gần đây, theo thông tin từ báo chí và MXH, nhân vật này có mang con đi khắp mọi nơi có hành vi dễ dẫn tới tổn hại cho cháu (chất quần áo, không quan tâm chăm sóc,…). Do đối tượng di động, thường xuyên không cư trú cố định, có các hành vi khác nhau, từ suốt tháng 8-2017 đến nay, tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em đã kết nối với các tỉnh/TP Hà Nội và Hải Dương, trong đó tực tiếp là Sở LĐ-TB&XH, Công an hai tỉnh để theo dõi, xác minh thông tin.
Hiện nay, theo thông tin mới nhất sau quá trình kết nối, Công an tỉnh Hải Dương đã có chỉ đạo lực lượng công an huyện và xã trên địa bàn có biện pháp quản lý đối tượng theo quy định pháp luật.
Ông Nam cũng cho hay đánh giá ban đầu qua tiếp xúc với người mẹ, nhân vật Bella có biểu hiện không bình thường. Về phía cháu bé, cho đến nay, tình trạng của cháu chưa phát hiện dấu hiệu tổn thương nặng nề, không có dấu hiệu bị bạo hành.
Về phía Cục, một số cá nhân cũng như báo chí có đặt câu hỏi về việc cách ly đứa bé ra khỏi mẹ, tuy nhiên theo quy định của Luật Trẻ em và các nghị định, thông tư hướng dẫn, việc cách ly chỉ thực hiện trong hai trường hợp: cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng không có năng lực chăm sóc và bảo vệ trẻ em; khi xác minh phát hiện cha mẹ hoặc người chăm sóc chính là thủ phạm xâm hại hoặc gây ra bạo lực với trẻ.
“Điều kiện để thực hiện việc cách ly rất nghiêm khắc, vì trẻ em có quyền được sống với cha mẹ, việc cân nhắc cách ly không chỉ tuân thủ pháp lý mà còn để tốt nhất cho trẻ em” – ông Nam nói.
Vị cục trưởng này thông tin thêm rằng hiện nhân vật Bella không có người thân thích, chỉ có người bà tuổi rất cao, do đó việc giao cho người thân thích tại nơi đăng kí thường trú là không khả thi. Sắp tới tổng đài sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương (tỉnh Hải Dương) xác minh tình trạng, năng lực bảo vệ và chăm sóc con của người mẹ này. Nếu phát hiện các dấu hiệu tổn thương đối với cháu thì sẽ có biện pháp cách ly.
Về biện pháp cụ thể hơn, Cục sẽ phối hợp với Công an địa phương để theo dõi, làm các thủ tục theo pháp luật. Nếu cần đi giám định năng lực, Cục sẽ đề nghị tới Công an tỉnh Hải Dương thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Nếu kết quả cho thấy nhân vật Bella không đủ năng lực thì sẽ thực hiện đúng theo quy định (cách ly trẻ khỏi mẹ - PV).
Nhân vật Bella vừa hút thuốc vừa bế con nhỏ. Ảnh FB
Có hay không sự vào cuộc chậm trễ?
Tại buổi làm việc, PV báo chí đặt câu hỏi việc các cơ quan chức năng tham gia bảo vệ trẻ em trong vụ việc này còn chậm, vì người mẹ có dấu hiệu không bình thường đã thể hiện từ rất lâu.
Trả lời vấn đề này, ông Nam cho rằng cần thận trọng khi đánh giá sự vào cuộc của cơ quan chức năng chậm hay không. Đánh giá phải trên cơ sở bằng chứng, chứng cứ, lí lẽ,…
Cục trưởng Đặng Hoa Nam cũng khẳng định rất chia sẻ, hoan nghênh công dân trên MXH cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, tuy nhiên trong một số trường hợp, những thông tin này chưa thực sự chuẩn xác, bảo mật thông tin cho trẻ em. Ông Nam đề nghị người dân hoặc báo chí nếu có bất cứ thông tin gì hay thông báo và chia sẻ với cục.
Việc cho rằng người mẹ trong vụ việc trên bất bình thường mới chỉ là quan sát bên ngoài, để kết luận thì phải có giám định khoa học theo quy định pháp luật. Không thể thấy người ta hay mang con ra đường thì kết luận không đủ năng lực hành vi. Chừng nào kết luận giám định khẳng định không đủ năng lực thì mới xem xét việc cách ly cháu bé ra khỏi người mẹ.
Đối với các clip Bella tự quay rồi đăng lên MXH, ông Nam cho hay cơ quan chức năng có xem các clip này, tổng đài 111 đã thu thập tất cả; nhưng không thể thay thế cơ quan chức năng kết luận bà mẹ này không đủ năng lực.
Báo chí tiếp tục đặt câu hỏi tại sao sự việc được phát hiện từ một năm nay, nhưng phía Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em không yêu cầu cơ quan chức năng giám định tâm thần đối với nhân vật Bella?
Vị cục trưởng này cho hay việc trưng cầu giám định phải là cơ quan công an mới có thẩm quyền; nếu cơ quan công an không trưng cầu thì gia đình có quyền yêu cầu. Tới đây, Cục sẽ có văn bản đề nghị cơ quan công an trưng cầu giám định. Bên cạnh đó, sự việc diễn ra không liêm tục, và phải đến mức nào đó thì mới giám định, không thể tùy tiện đưa một công dân đi giám định được.
Đề nghị can thiệp Ngày 29-6, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Sở LĐ-TB&XH Hải Dương có biện pháp can thiệp, bảo vệ con đẻ của bà Đoàn Thúy Hà (tên gọi khác tự xưng là hot girl Bella), có dấu hiệu bị mẹ bạo hành. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam được biết, những hành vi trên của hot girl Bella đã diễn ra nhiều lần trong thời gian dài. Tuy nhiên sự việc vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để khiến cho dư luận tiếp tục có những ý kiến lên tiếng đề nghị Hội bảo vệ cháu bé. “Chúng tôi nhận thấy hành vi của bà Thúy Hà đã và đang xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của cháu bé. Không đảm bảo lợi ích tốt nhất cho cháu bé được phát triển toàn diện, vi phạm các quyền của cháu được pháp luật bảo vệ tại Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình”, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhận định. Vì vậy, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị Sở LĐ-TB&XH Hải Dương xem xét, xử lý vụ việc để đưa ra được những biện pháp hỗ trợ, can thiệp bảo quyền lợi của cháu bé. |