Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Công an xã để thay thế Pháp lệnh Công an xã ra đời từ năm 2008. Theo đó, nhiều quyền hạn của lực lượng Công an xã được quy định cụ thể hơn.
Được huy động phương tiện
Theo dự thảo, công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách thuộc hệ thống tổ chức của CAND, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã.
Công an xã được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã phối hợp hoạt động, cung cấp thông tin và thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đáng chú ý, trong trường hợp cấp bách để cấp cứu người bị nạn, cứu nạn, cứu hộ, truy bắt người phạm tội quả tang, người gây tai nạn bỏ chạy, người có quyết định truy nã, truy tìm, Công an xã được huy động phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác, người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó; phải trả lại ngay phương tiện được huy động khi tình huống cấp bách đó chấm dứt và báo cáo ngay với Chủ tịch UBND cùng cấp. Trường hợp tài sản huy động có thiệt hại thì được bồi thường theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Luật Công an xã quy định cụ thể về các quyền hạn của lực lượng này (ảnh minh họa)
Được điều tra ban đầu
Công an xã còn có quyền thực hiện trách nhiệm đối với hoạt động điều tra hình sự theo quy định của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Cụ thể, Điều 44 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự (có hiệu lực từ 1-7-2016) quy định, Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật, có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật, có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Tổ chức bắt quả tang
Điều 24 dự thảo Luật Công an xã quy định, Công an xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã. Trường hợp gặp khó khăn, vượt quá khả năng của Công an xã thì báo cáo ngay lên Công an cấp trên trực tiếp để có sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời.
Sau khi bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm hoặc tiếp nhận người phạm tội tự thú, đầu thú, phải lập biên bản và dẫn giải lên Công an cấp trên theo quy định.
Lực lượng Công an xã cũng phải nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiếp nhận, phân loại, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã.
Cụ thể, nắm vững tình hình hoạt động của các đối tượng có tiền án, tiền sự; người được đặc xá, đại xá, tha tù trước thời hạn; người chấp hành xong án phạt tù; bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú…
Bên cạnh đó, phải nắm vững biểu hiện và hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; các hiện tượng tụ tập, gây rối trật tự công cộng, khiếu kiện đông người; chia rẽ, gây mất đoàn kết trong nhân dân; tổ chức, lôi kéo, kích động người khác chống lại chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các vụ việc về chính trị, hình sự, kinh tế; các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật khác xảy ra trên địa bàn xã…