Vụ việc một sinh viên 24 tuổi bắn chết cha mình rồi sau đó đến ĐH Charles (thủ đô Prague, CH Czech) xả súng khiến 14 người chết và 25 người bị thương đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận, đồng thời đặt ra nhiều quan ngại về luật sở hữu súng ở quốc gia châu Âu này.
Cộng hòa Czech là quốc gia duy nhất ở châu Âu quy định công dân có quyền sở hữu súng trong hiến pháp. Theo Hiến pháp Czech, người dân có quyền mang theo vũ khí giấu kín để tự vệ.
Theo tạp chí Time, để sở hữu súng, công dân vẫn phải vượt qua bài kiểm tra nhiều phần, kiểm tra lý lịch, và có giấy chứng nhận y tế.
Những người muốn sở hữu súng phải làm một bài trắc nghiệm gồm 30 câu, trích ra từ ngân hàng 501 câu hỏi có sẵn mà người dân có thể tiếp cận.
Sau phần thi trắc nghiệm, các công dân phải chứng minh rằng họ có thể bắn súng thành thạo. Họ phải mô tả được các bộ phận khác nhau của khẩu súng và thể hiện rằng họ biết cách cất giữ vũ khí của mình một cách an toàn. Người dân không được phép sở hữu súng nếu có tiền án.
Cảnh sát vẫn có thể tịch thu súng của một người nếu người này về sau xuất hiện các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Theo thống kê chính thức của cảnh sát Czech, hơn 300.000 người có giấy phép sở hữu súng hợp pháp. Tính đến năm 2022, gần 1 triệu khẩu súng được đăng ký sở hữu hợp pháp tại nước này.
Không rõ tội phạm xả súng sẽ bị xử lý ra sao. Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 219 Bộ luật hình sự Czech quy định về tội giết người, người phạm tội sẽ lãnh án từ 10-15 năm tù nếu cố ý giết chết 1 người.
Bên cạnh đó, nghi phạm có thể sẽ bị tuyên 12-15 năm tù hoặc bản án ngoại lệ nếu rơi vào các trường hợp sau: cố ý giết chết từ 2 người trở lên; giết 1 người nhưng hành vi man rợ; nạn nhân là phụ nữ đang mang thai; nạn nhân là người dưới 15 tuổi...
Theo Tổ chức phòng chống thương tích do súng đạn quốc tế Gunpolicy.org, vào năm 2019 có tổng cộng 195 trường hợp tử vong do súng ở Czech. Con số này lần lượt là 170 và 174 trong hai năm 2018 và 2017.