Theo số liệu của ĐH Johns Hopkins (Mỹ), khu vực Đông Nam Á đến nay đã có hơn 30.000 trường hợp nhiễm COVID-19. Trong số này, Philippines, Malaysia và Singapore chiếm gần 87,9% tổng số ca nhiễm.
Dù các số liệu này vẫn còn kém xa so với Mỹ và một số quốc gia châu Âu, các nghiên cứu vẫn cho thấy hàng chục ngàn ca nhiễm có thể chưa được phát hiện do tỉ lệ xét nghiệm tại một số quốc gia ở khu vực này khá thấp, đặc biệt là Indonesia và Philippines.
Chênh lệch năng lực xét nghiệm
Cụ thể, đài CNBC nhận định năng lực xét nghiệm COVID-19 rất khác nhau trên khắp Đông Nam Á. Singapore nằm trong tốp đầu trên toàn cầu với 16.203 xét nghiệm/1 triệu người, trong khi Myanmar ở gần chót bảng với 85 xét nghiệm/1 triệu người, theo dữ liệu của trang thống kê Worldometer.
Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia đã chỉ ra Indonesia và Philippines là những quốc gia mà họ lo ngại vì dân số đông. Indonesia, có dân số đông thứ tư thế giới - 270 triệu người, chỉ mới tiến hành được 42.000 xét nghiệm, tương đương với 154 xét nghiệm/1 triệu người - thuộc diện thấp trên thế giới. Giới chức Indonesia đặt mục tiêu tiến hành 10.000 xét nghiệm/ngày và dự đoán số ca nhiễm COVID-19 có thể lên tới 95.000 người khi xét nghiệm được đẩy nhanh.
Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte tuần trước phê duyệt mua thêm 900.000 bộ dụng cụ xét nghiệm, bổ sung vào 100.000 bộ đã được sử dụng. Theo Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire, hiện nước này chỉ mới thực hiện được gần 23.000 xét nghiệm.
Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân COVID-19 ở Malaysia ngày 14-4. Ảnh: REUTERS
Nguy cơ sụp đổ hệ thống y tế
Không chỉ đối mặt với tỉ lệ xét nghiệm thấp, khu vực Đông Nam Á cũng cần phải tăng cường hệ thống giường bệnh, thiết bị y tế như máy thở và nhân lực. Đó là chưa kể những khó khăn đặc thù tại các nước trong khu vực như địa hình nhiều đảo nhỏ, chất lượng hệ thống y tế không đồng đều giữa các khu vực càng khiến nhiều người ở các vùng ngoại ô đối mặt với nguy cơ lớn.
Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Philippines chỉ có khoảng 10 giường bệnh và 14 bác sĩ/10.000 dân. Nhiều nhân viên y tế Indonesia cho biết họ thậm chí phải mặc áo mưa thay cho áo bảo hộ để xử lý các ca bệnh hoặc phải tự mang khẩu trang đi làm.
Để so sánh, Ý, nước phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi dịch bệnh bùng phát, có 40 bác sĩ và 30 giường bệnh/10.000 dân.
Tại Malaysia, Thủ tướng Muhyiddin Yassin ngày 25-3 vẫn còn tự tin rằng gần 3.600 giường bệnh tại 34 bệnh viện của nước này, trong đó mới sử dụng hết 30%, là đủ để đối phó với dịch. Tuy nhiên, Tổng giám đốc cơ quan y tế nước này Noor Hisham Abdullah sau đó đã phải thừa nhận nếu tốc độ lây lan trên 1.000 ca/ngày, Malaysia sẽ không có chỗ chứa.
Indonesia, nước cũng chỉ có 12 giường bệnh/10.000 dân, đang gấp rút chuẩn bị thêm giường bệnh. Wisma Atlet Kemayoran, tổ hợp các tòa chung cư tại thủ đô Jakarta, vốn được dùng làm nơi ở cho các vận động viên tham gia thi đấu tại Asian Games 2018, đã được chuyển thành bệnh viện dã chiến khẩn cấp để chữa trị cho 24.000 bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ngoài ra, Indonesia cũng đã cho xây dựng thêm một bệnh viện khẩn cấp trên đảo hoang Galang, hoạt động từ ngày 6-4.
Với tình hình dịch hiện tại, nếu dịch lan tới những nước có hệ thống y tế yếu kém hoặc không đủ nguồn lực thì gây hậu quả khó lường. Đối với Nam Mỹ là vấn đề lớn, còn Đông Nam Á thì vấn đề này rất, rất nghiêm trọng. PAUL STOFFELS - Giám đốc Tập đoàn dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson |
Tình hình Singapore đáng lo ngại
Tại Singapore, số trường hợp nhiễm COVID-19 mới tuần qua đã tăng đến mức đáng lo ngại, bất chấp các biện pháp kiểm dịch và sàng lọc chặt chẽ của chính phủ. Điều này đã nêu bật những thách thức mà Singapore đang phải đối mặt trong việc ngăn chặn dịch bệnh.
Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc thông báo về các trường hợp nhiễm COVID-19 và từng hạn chế được số lượng ca nhiễm ở mức tương đối thấp.
GS Alex Cook thuộc ĐH Saw Swee Hock (Singapore) nhận định Singapore đang phải đối mặt với hai nguồn bùng phát đại dịch. Nguồn bùng phát lớn nhất là tại các khu nhà ở của công nhân nước ngoài và nguồn bùng phát có kiểm soát trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, ông Cook cho rằng với các biện pháp nhằm phá vỡ chuỗi lây nhiễm của COVID-19 hiện nay thì nguy cơ lây lan dịch từ các khu nhà ở công nhân nước ngoài ra cộng đồng có thể sẽ thấp.
“Số lượng ca nhiễm COVID-19 trong các khu nhà ở khá phù hợp với các dự đoán dựa trên số ca gia tăng trong vài tuần qua. Chúng ta sẽ thấy số lượng trường hợp tăng gấp đôi cứ sau 2-3 ngày” - GS Alex Cook giải thích thêm.
Singapore gia hạn lệnh phong tỏa Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Singapore, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 21-4 đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội thêm bốn tuần đến hết ngày 1-6 dù thời hạn này còn hai tuần nữa mới chấm dứt, theo tờ The Straits Times. Ông Lý cho biết đây là biện pháp cần thiết do lây nhiễm trong cộng đồng vẫn đáng lo ngại. Ngoài ra, Singapore sẽ đóng cửa thêm một loạt dịch vụ và chỉ duy trì tối thiểu các dịch vụ thiết yếu nhất để giảm lưu lượng đi lại. Được biết Bộ Y tế Singapore cho biết số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày 21-4 là hơn 1.100 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc đảo này gần 9.200 ca. |