Ngày 22-5, cử tri cả nước đã nô nức tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đông đảo cử tri (cả những người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang lao động, học tập trong các cơ sở xã hội...) đã trực tiếp bỏ phiếu để chọn lựa những đại biểu đủ tài, đủ đức, có tâm, có tầm đại diện cho mình tham gia vào công việc của các cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Già, trẻ đều háo hức thực hiện quyền làm chủ
Cuộc bầu cử lần này có nhiều cụ già tuy tuổi rất cao vẫn trực tiếp đi bỏ phiếu.
Tại khu vực bỏ phiếu 89 (phường 13, quận 3, TP.HCM), cụ Lê Thị Quá (87 tuổi, phường 13) có mặt từ rất sớm để xem lại các thông tin liên quan đến ứng cử viên. Chia sẻ cảm xúc của mình, cụ Quá nói: “Già rồi nhưng còn sức để đi bỏ phiếu thì vẫn đi, dù bận việc gì cũng phải tạm gác”. Cụ nói vui: “Biết đâu năm năm sau không còn cơ hội sống để đi bỏ phiếu nữa. Vì vậy, được đi bầu là tôi mừng lắm!”. Nói về các ứng cử viên, cụ Quá cho hay qua lý lịch trích ngang và thông tin mà cụ tìm hiểu về các ứng cử viên, cụ thấy ai ai cũng rất tài năng. “Dân chỉ mong những người trúng cử sau này sẽ thể hiện được tài năng cụ thể để giúp cho xã hội tốt hơn” - cụ Quá nói.
Tại khu vực bỏ phiếu 176, phường Thạnh Xuân, quận 12, cụ bà Trần Thị Mẹo (80 tuổi) dù chân khập khiễng đi từng bước khó khăn nhưng vẫn đến sớm để bỏ phiếu cho ứng cử viên mà mình ưng ý. Cụ Mẹo bộc bạch: “Kỳ bầu cử nào tôi cũng đi, không đi mất quyền lợi của mình sao. Tôi không đi bầu cho có, mà xem rất kỹ lý lịch của các ứng cử viên, phải là những người có khả năng giúp dân, giúp nước, nhất là chăm lo cho dân nghèo. Tôi giờ già rồi, không mong muốn gì, chỉ mong cuộc sống bình yên, xã hội công bằng, bình đẳng. Để được như vậy, phải nhờ vào những người lãnh đạo, những đại biểu của dân thấu hiểu và biết lo cho dân”.
Cùng với các bô lão, hàng triệu cử tri trẻ tuổi đã thực hiện quyền bầu cử, trong đó có 2,3 triệu sinh viên, học sinh lần đầu đi bỏ phiếu. Em Nguyễn Văn Đức, 19 tuổi, sinh viên năm nhất Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ: “Lần đầu được cầm lá phiếu bầu chọn những người mà mình tin tưởng, em cảm giác mình đã thực sự trưởng thành, được xã hội công nhận để thực hiện quyền làm chủ của mình”.
Cử tri phường 11, quận 5, TP.HCM đi bầu tại điểm bỏ phiếu số 77 đường Trần Hưng Đạo. Ảnh: HTD
Ngày hội nơi nơi
Cũng với tâm trạng nô nức, hàng triệu công nhân đã được các công ty sắp xếp không tăng ca để đi bầu cử. Tại TP.HCM, công nhân từ các khu trọ gần KCN Linh Trung, Linh Xuân (quận Thủ Đức) từ sáng sớm đã rộn ràng đến các khu vực bỏ phiếu.
Anh Nguyễn Văn Định, quê Quảng Bình, công nhân Công ty Jye Shing (KCX Linh Trung, Thủ Đức), bộc bạch đây là lần đầu tiên anh được cầm thẻ cử tri thực hiện quyền công dân nên tâm trạng rất hồi hộp. Từ sáng sớm, các đồng nghiệp của anh đã cùng nhắc nhở nhau đi bầu cử.
“Mọi người đều mong mỏi những đại biểu khi trúng cử cần có tiếng nói đồng hành cùng công nhân lao động về công ăn việc làm, thu nhập, đời sống văn hóa tinh thần, xây thêm nhiều chỗ học cho con em công nhân” - anh Định cho hay.
Tại Thạnh An, xã đảo duy nhất của TP.HCM, từ rất sớm cử tri đã í ơi gọi nhau đi bầu cử. Đối với bà con nơi đây, hôm nay đúng thật là ngày hội!
Cử tri Trần Thành Nguyên (41 tuổi), ấp Thiềng Liềng, ấp đảo của xã đảo Thạnh An, khoe: “Cả gia đình tôi đã dậy từ sớm, sửa soạn rồi đi bỏ phiếu. Ai cũng háo hức”. Theo anh Nguyên, bà con khắp nơi trên xã đảo nghe đến ngày bầu cử thì dù đang đi làm gì, bận việc gì cũng đều sắp xếp công việc để bỏ phiếu cho đại biểu mình chọn lựa.
“Ai ở xã đảo này cũng mong các đại biểu trúng cử sẽ quan tâm cuộc sống bà con xã đảo nhiều hơn, nhất là việc làm đường, cung cấp nước sạch...” - anh Nguyên nhắn gửi.
Lần đầu tiên thực hiện quyền công dân của mình, em Nguyễn Thị Thu Nhiên (18 tuổi), học sinh lớp 12 Trường THPT Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, tươi cười: “Lần đầu tiên đi bầu cử, em vừa hồi hộp vừa hạnh phúc khi thực hiện quyền bầu cử của một công dân. Cô giáo cũng dạy chúng em rằng là tân cử tri phải tự tay đi bỏ phiếu vì đây là trách nhiệm và niềm tự hào của mình”. Nhiên cho hay đã chọn ứng cử viên mà em ưng bụng. “Đó là những người đã xuống nhiều lần với bà con xã đảo, gần dân, hiểu được mong ước của người dân xã đảo” - cô bé bộc bạch.
Thực hiện quy định mới của Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND năm 2015, sáng 22-5, các trại tạm giam, nhà tạm giữ trên cả nước đã đồng loạt tổ chức cho người bị tạm giam, tạm giữ bỏ phiếu bầu đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021. Theo thông tin của Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII, Bộ Công an), cả nước có hơn 30.000 cử tri là người đang bị tạm giữ, tạm giam thực hiện quyền bầu cử tại nơi đang bị tạm giam, tạm giữ. Tại trại tạm giam Chí Hòa (quận 10, TP.HCM), hơn 2.000 can phạm đã tham gia bầu cử. Cùng với đó, hàng ngàn cử tri là học viên tại các cơ sở xã hội trên địa bàn TP cũng đã được thực hiện quyền bầu cử. Ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM, cho biết hiện TP đang quản lý 9.500 học viên tại 17 cơ sở cai nghiện. Tại mỗi đơn vị đều có tổ chức điểm bầu cử để các học viên thực hiện quyền bầu cử của mình. |
Tìm hiểu rất kỹ ứng cử viên Danh sách ứng cử viên đã được niêm yết ở khu nhà trọ trước thời gian bầu cử nhiều ngày nên tôi và các công nhân ở cùng có thời gian tìm hiểu tiểu sử, công việc của họ khá kỹ, “nhắm sẵn” trong đầu một số gương mặt. Sáng 22-5, tôi dậy sớm, tranh thủ đến khu vực bỏ phiếu để bầu cho các gương mặt mình lựa chọn. Chúng tôi có tâm nguyện đại biểu của mình phải nói lên được những trăn trở của người lao động về công việc, tiền lương, chỗ ở, tiền trọ, điện, nước, chỗ học cho con... Anh PHAN THANH TUYỀN, công nhân KCX Linh Trung, Ưu tiên người tuổi trung niên Tôi đến ở chùa Chantarangsay từ năm 1999, đây là mùa bầu cử thứ ba tôi tham gia bỏ phiếu tại chùa. Lần này, tôi chọn đại biểu tuổi trung niên. Tôi nghĩ ở tuổi này, các ứng cử viên với quá trình học tập và kinh nghiệm đã có, cùng với sự chín chắn trong suy nghĩ, hành động, họ sẽ có những hoạt động nghiên cứu, góp ý, phản biện và chất vấn chất lượng, hiệu quả tại nghị trường. Dĩ nhiên tôi không chỉ lựa chọn độ tuổi mà còn căn cứ vào bề dày sự nghiệp và sự cống hiến của họ. Sư CHAUEL, chùa Chantarangsay Xúc động vì vẫn có quyền công dân Tôi rất xúc động vì mình là can phạm nhưng đã được tạo điều kiện tham gia bỏ phiếu bầu cử, thực hiện quyền công dân. Chúng tôi hằng ngày được đọc báo và được cán bộ quản giáo tuyên truyền chi tiết về quyền bầu cử để bầu đúng, bầu đủ. Vì vậy, tôi thận trọng dùng quyền công dân cao quý của mình để lựa chọn những người có tài, có đức. Chị TRẦN HOÀNG OANH, can phạm trại tạm giam Chí Hòa Lần đầu bầu cử, khá hồi hộp Khi nhận được thẻ cử tri, em thấy nôn nao xen lẫn tò mò. Em tranh thủ buổi tối đọc kỹ tiểu sử và chương trình hành động của các ứng cử viên để biết họ giỏi lĩnh vực nào. Khi đến khu vực bỏ phiếu, em khá hồi hộp. Ai cũng ăn mặc nghiêm túc và hồ hởi. Thấy em mặc đồng phục học sinh, các cô chú ở điểm bầu cử hướng dẫn rất kỹ về cách gạch tên, cách bỏ phiếu vào thùng… Em mong kỳ bầu cử này sẽ chọn ra được những đại biểu đem lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống người dân. Em ĐÀO HOÀNG LAN ANH, học sinh |