Bảy mươi năm trước, các cường quốc phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp đã cùng với Liên Xô gác lại những bất đồng và cùng đứng chung một chiến tuyến chống lại phát xít Đức. Hiện nay, với tâm điểm là cuộc xung đột Ukraine, Nga và phương Tây giờ đây lại đứng ở hai bờ chiến tuyến đối đầu căng thẳng. Quảng trường Đỏ ngày 9-5 lại trở thành biểu trưng cho “cuộc chia tay” giữa Moscow và phương Tây.
Phương Tây tẩy chay gay gắt
Mặc dù Moscow đã mời 68 nhà lãnh đạo của các quốc gia và tổ chức quốc tế đến dự buổi diễu binh ngày Chiến thắng - kỷ niệm 70 năm ngày Liên Xô chiến thắng phát xít Đức nhưng đến nay chỉ có 27 đại diện xác nhận sẽ tham dự.
Các nhà lãnh đạo phương Tây như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron hay Tổng thống Pháp François Hollande đều không có kế hoạch tham dự. Những nhà lãnh đạo còn lại trong danh sách khách mời hoặc đã từ chối tham gia, hoặc im lặng không trả lời.
Trước đó, đại diện cho chính quyền Washington, quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf đã “nhắn nhủ” các nhà lãnh đạo thế giới “cần cân nhắc những gì đang diễn ra tại Ukraine” trước khi tham dự buổi diễu binh 9-5. Mỹ sẽ chỉ cử Đại sứ Mỹ John Tefft đến tham dự buổi lễ kỷ niệm ngày Chiến thắng.
Lãnh đạo một số quốc gia “thân thuộc” của lễ kỷ niệm các năm trước không xuất hiện tại Quảng trường Đỏ ngày 9-5 này như Ba Lan, Latvia, Lithuania và Estonia. Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski còn lên tiếng cáo buộc buổi lễ diễu binh ngày 9-5 sẽ là một cuộc “phô bày sức mạnh” quân sự của Nga.
Thậm chí trong một bài viết trên tờ Los Angeles Times, ba cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine còn đưa ra “sáng kiến” nên tổ chức một buổi lễ chiến thắng tại thủ đô Kiev của nước này và mời các nhà lãnh đạo phương Tây đến tham dự.
Theo tờ Deutsche Welle (Đức), Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã chính thức khước từ lời mời của Tổng thống Putin đến Quảng trường Đỏ trong ngày 9-5. Theo ông Steffen Seibert, phát ngôn viên của bà Angela Merkel, nữ thủ tướng Đức không muốn tham dự buổi lễ tại Quảng trường Đỏ Moscow vì những hành động của Nga trong vấn đề Crimea và miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, Steffen Seibert nhấn mạnh việc ghi nhớ sự chấm dứt của Thế chiến thứ hai, cũng như chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít là vô cùng quan trọng. Nữ thủ tướng Đức sẽ chỉ đến Moscow vào ngày 10-5, một ngày sau buổi lễ diễu binh, để cùng Tổng thống Putin viếng thăm tượng đài Các chiến sĩ vô danh.
Bộ binh Nga diễn tập diễu binh ngày 4-5 trước lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức. Ảnh: GETTY IMAGES
Buổi lễ ngày Chiến thắng sẽ là biểu trưng cho sự xa cách giữa Nga và phương Tây. Ảnh: SPUTNIK
Xe tăng Armata T-14 của Nga sẽ lần đầu tiên được trình làng trong buổi diễu binh. Ảnh: ITAR TASS
Trong giữ yên dân, ngoài đổi chiến lược
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Putin, ông Dmitry Peshkov, khẳng định rằng sự vắng mặt của một số nhà lãnh đạo phương Tây sẽ không ảnh hưởng đến tinh thần chung của buổi lễ.
Theo nhà xã hội học Lev Gudkov, thuộc trung tâm khảo sát Levada, đối tượng chính yếu mà cuộc diễu binh diễu hành ngày Chiến thắng lần này tại Quảng trường Đỏ hướng đến vẫn luôn là người dân Nga. Sự kiện này có ý nghĩa giữ vững niềm tin cho người Nga đối với sức mạnh của quốc gia, vào vị thế của một dân tộc chiến thắng anh hùng.
Hồi tháng 3-2015, phát biểu tại một phiên họp lên kế hoạch diễu binh ngày 9-5, Tổng thống Putin khẳng định: “Mục đích của họ (các quốc gia phương Tây) là rất rõ ràng. Họ muốn hạ thấp uy tín chính quyền của nước Nga hiện đại, chia cách nước Nga khỏi vị thế chiến thắng của mình”.
Ông còn cáo buộc Mỹ và phương Tây đang cố bóp méo lịch sử và xúc phạm “cả thế hệ những con người đã hy sinh tất cả vì hòa bình của thế giới”. Đáng chú ý, bằng cách thường xuyên gán mác “phát xít mới” lên chính quyền Kiev, vốn thân phương Tây, truyền thông Nga trong thời gian gần đây như đang tái tạo bầu không khí chống phát xít Đức hào hùng từ 70 năm trước cho xã hội Nga.
Ông Gudkov còn nhận định rằng cuộc diễu binh lần này mang ý nghĩa như một công cụ để thúc đẩy sự ủng hộ ông Putin trong nước. Ông Putin trong buổi lễ chắc chắn sẽ tiếp tục tô điểm hình ảnh nước Nga như một đất nước anh hùng của thời đại, đã đứng lên chống lại các thế lực áp bức trên thế giới.
Nhưng chuyên gia Jeremy Friedman của ĐH Yale (Mỹ) dự đoán Mỹ và phương Tây sẽ được nhắc đến như một thế lực áp bức mới trong bài diễn văn của nhà lãnh đạo Nga. Còn theo tờ Thời Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), với sự vắng mặt của tất cả nhà lãnh đạo cường quốc phương Tây, ngày lễ kỷ niệm 70 chiến thắng phát xít sẽ là dấu mốc biểu trưng cho sự chuyển đổi chính sách toàn cầu của nước Nga. Chính quyền Moscow sẽ chính thức chấm dứt gần 25 năm nỗ lực tìm kiếm sự chấp nhận và hội nhập với thế giới phương Tây. Thay vào đó, nước Nga lại quay về với vị thế cầu nối Á-Âu truyền thống của mình.
Với sự xuất hiện của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, cùng lời hứa ông Putin sẽ đến Bắc Kinh trong lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít Nhật, Nga trong tương lai sẽ chuyển hướng đặt trọng tâm chiến lược vào mối quan hệ Nga-Trung và nhóm các quốc gia “phi phương Tây”.
Ngày Chiến thắng và những con số ấn tượng 16.000:Sẽ có 16.000 quân nhân Nga tham gia diễu hành tại Quảng trường Đỏ (tăng hơn 50% kể từ năm 2010). Tổng cộng có 200 đơn vị thiết giáp, hơn 150 máy bay và trực thăng, 1.880 đơn vị trang thiết bị quân sự sẽ tham gia trong cuộc diễu hành. 3.300:Logo của sự kiện năm nay sẽ khắc họa hình ảnh một con chim bồ câu trắng trên nền màu xanh với khẩu hiệu “Chiến thắng! 70 năm!” trên một biểu ngữ khổng lồ có diện tích 3.300 m2 trên Quảng trường Đỏ. 1.300: Hơn 1.300 binh lính nước ngoài, bao gồm người Serbia, người Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tham gia vào cuộc diễu hành. 28,5: Chính phủ Nga đã phân bổ tổng cộng 28,5 tỉ rúp (550 triệu đôla) cho buổi lễ kỷ niệm. Trong số đó, 25 tỉ rúp sẽ được sử dụng cho các dự án nhà ở và phúc lợi cho cựu chiến binh. 400: Vào sáng sớm thứ Bảy (9-5), lực lượng không quân Nga sẽ gieo các hóa chất như bạc iodide vào các tầng mây để cố gắng ngăn chặn mưa rơi xuống trung tâm Moscow trong suốt cuộc diễu hành. Chính quyền Nga cho biết phương pháp tránh mưa này sẽ không làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và thông báo có kế hoạch chi tiêu kỷ lục 400 triệu rúp (gần 7,8 triệu đôla) trong năm nay để đảm bảo ngày lễ lớn của đất nước chứng kiến một bầu trời quang đãng nhất. 17:Trung tâm Hợp tác Quốc tế Moscow sẽ cho tổ chức các buổi biểu diễn hòa nhạc và triển lãm để đánh dấu 70 năm chiến thắng của Đồng minh trong Thế chiến thứ hai tại 12 quốc gia, bao gồm Đức, Israel và Latvia. Số tiền chi ra cho dự án là 17 triệu rúp (hơn 300.000 đôla). |