Ngày 27-10, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin cựu Thủ tướng Trung Quốc (TQ) Lý Khắc Cường qua đời sau một cơn đau tim vào lúc 0 giờ 10 phút cùng ngày, hưởng thọ 68 tuổi.
Trước khi thôi làm thủ tướng, ông Lý được biết đến là một trong những nhân vật quan trọng của chính quyền Bắc Kinh, giúp lèo lái nền kinh tế TQ vượt qua giai đoạn khó khăn, đáng chú ý với căng thẳng thương mại với Mỹ và đại dịch COVID-19, theo tờ South China Morning Post.
Cuộc đời ông Lý
Theo Tân Hoa Xã, ông Lý sinh năm 1955 tại huyện Định Viễn, tỉnh An Huy. Ông nhận bằng thạc sĩ luật và tiến sĩ kinh tế từ trường ĐH Bắc Kinh.
Ông gia nhập đảng Cộng sản TQ vào năm 1976 và có thời gian tham gia hoạt động trong đoàn Thanh niên.
Năm 1998, ông Lý được bổ nhiệm giữ chức phó Bí thư tỉnh uỷ và quyền Tỉnh trưởng tỉnh Hà Nam. Đến năm 2002, ông được thăng chức lên Bí thư tỉnh uỷ và Tỉnh trưởng tỉnh Hà Nam.
Hai năm sau, ông được luân chuyển làm Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Liêu Ninh.
Năm 2007, ông Lý được bầu vào ban Thường vụ Bộ Chính trị trung ương đảng Cộng sản TQ và kiêm nhiệm chức phó Thủ tướng một năm sau đó. Ông là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị các khóa 17, 18 và 19.
Năm 2013, ông Lý được bầu làm Thủ tướng TQ và được tải bổ nhiệm vào năm 2018.
Do giới hạn nhiệm kỳ đối với thủ tướng, vào tháng 3-2023, ông Lý thôi chức Thủ tướng và về hưu. Sau khi về hưu, ông Lý sống ở TP Thượng Hải cho đến khi qua đời.
Những thành tựu đáng chú ý của ông Lý
Theo South China Morning Post, trong năm đầu tiên giữ chức Thủ tướng, ông Lý tăng cường thực hiện các chính sách mà truyền thông phương Tây gọi là “Likeonomics”, bao gồm không kích thích, giảm đòn bẩy tài chính và cải cách cơ cấu.
Đối với công chúng TQ, ông Lý được biết đến như "thủ tướng của nhân dân", theo South China Morning Post. Việc làm, doanh nghiệp nhỏ, lao động nhập cư và gần đây là các biện pháp đối phó đại dịch COVID-19, là những chủ đề thường được ông Lý quan tâm và thảo luận.
Trong một thập niên ông Lý giữ chức Thủ tướng, GDP của TQ tăng hơn gấp đôi từ 54.000 tỉ nhân dân tệ lên 114.000 tỉ nhân dân tệ. Tỉ trọng kinh tế của TQ trong nền kinh tế thế giới cũng tăng từ 11,3% lên 18,5%, theo số liệu của chính phủ TQ.
Bên cạnh đó, ông Lý cũng nhận được nhiều sự chú ý nhờ vào nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở TQ. Năm 2014, ông tuyên bố TQ “sẽ “kiên quyết tuyên chiến với vấn đề ô nhiễm”.
Sau tuyên bố của ông Lý, Bắc Kinh ban hành kế hoạch hành động về chất lượng không khí quốc gia, trong đó yêu cầu tất cả các khu vực đô thị giảm nồng độ hạt bụi mịn trong không khí ít nhất 10%.
Nhờ đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt được tiến bộ về môi trường. Mức độ của các hạt không khí gây ô nhiễm có hại nhất (bụi mịn PM2.5) giảm hai phần ba ở thủ đô ở Bắc Kinh và hầu hết các nơi còn lại ở miền bắc TQ.