Mới đây, TAND tỉnh Bình Dương xử phúc thẩm vụ tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao đồng (HĐLĐ) giữa ông Phạm Văn Trung (ngụ quận Tân Phú) và Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Công ty Hoa Sen).
Theo hồ sơ, ông Trung ký HĐLĐ với Công ty Hoa Sen không xác định thời hạn từ năm 2005. Quá trình làm việc, ông Trung đảm nhiệm lần lượt nhiều chức vụ, từ trợ lý đến tổng giám đốc. Ngày 18-4-2011, ông nộp đơn xin thôi việc vì lý do cá nhân và thông báo bắt đầu nghỉ việc từ ngày 30-9-2011.
TAND tỉnh Bình Dương nơi xử phúc thẩm vụ án.
Sau khi nộp đơn, ông Trung làm việc bình thường rồi nộp đơn nghỉ phép từ ngày 29-4 đến 9-5-2011. Sau đó, công ty niêm phong phòng làm việc của ông Trung từ ngày ông nghĩ phép.
Ông Trung trình bày: “Trong lúc chờ giải quyết đơn nghỉ việc, tôi không được bố trí công việc, không có phòng làm việc”. Ông Trung cho hay thời điểm đó, ông giữ chức tổng giám đốc với mức lương 100 triệu đồng/tháng; và hưởng thù lao HĐQT 8 triệu đồng/tháng. Đến cuối tháng 6-2011, Công ty Hoa Sen ra thông báo chấm dứt HĐLĐ với ông kể từ này 1-7-2011.
Đầu năm 2012, ông Trung khởi kiện cho rằng công ty chấm dứt HĐLĐ sai quy định. Theo đó, ông yêu cầu công ty Hoa Sen thanh toán gần 2 tỉ đồng.
Phía công ty có yêu cầu phản tố cho là ông Trung nghỉ việc sai luật khi tự ý nghỉ phép, không đến theo thư mời làm việc… Qua đó, bị đơn yêu cầu ông Trung bồi thường gần 1,7 tỉ đồng. Theo Công ty Hoa Sen, công ty có mời ông Trung đến làm việc về thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ. Nhưng, NLĐ không đến nên phía sử dụng lao động làm thủ tục chấm dứt HĐLĐ theo pháp luật hiện hành.
HĐXX nhận định kết luận quan hệ lao động giữa hai bên chấm dứt từ ngày 20-9-2011 theo đề nghị ban đầu từ NLĐ. Điều này phù hợp với Khoản 3, Điều 37, Bộ Luật Lao động. HĐXX không chấp nhận lý lẽ bị đơn đưa ra nhằm cáo buộc nguyên đơn nghỉ việc sai luật. “Nếu không chấp thuận NLĐ nghỉ việc không lương thì phía chủ sử dụng lao động có quyền xử lý kỷ luật chứ không có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ”. Từ đó, toà bác yêu cầu của cả nguyên và bị đơn đòi bồi thường vì bị bên còn lại đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật.
Cụ thể toà chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, buộc Công ty Hoa Sen phải thanh toán tiền lương những ngày làm việc và trợ cấp thôi việc cho ông Trung 500 triệu đồng. Toà không chấp nhận việc người lao động yêu cầu công ty bồi thường do công ty chấm dứt HĐLĐ trái luật gần 1,5 tỉ đồng.
Về yêu cầu phản tố của công ty Hoa Sen, toà không chấp nhận yêu cầu bồi thường do bị đơn đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật, thanh toán tiền mua hàng, quảng cáo và tiền người khác tạm ứng hơn 1,1 tỉ đồng. Toà chấp nhận buộc ông Trung hoàn trả tiền tạm ứng gần 580 triệu đồng….