Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch vừa hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 105 ban hành năm 2012 về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, nhiều quy định mang tính chất “cấm làm” trước đây, giờ được diễn đạt mềm đi, theo hướng khuyến khích người dân dần từ bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu.
Cụ thể, về ô kính lắp trên nắp quan tài, theo Bộ VHTTDL, tập quán người Việt xưa nay thường dùng giấy bản, mảnh vải điều phủ kín mặt người quá cố vì cho rằng người mất đã về cõi khác, người sống không được nhìn mặt. Ngoài ra, làm vậy để cản khí lạnh từ thi thể phát tán ra ngoài. Đến nay, do có điều kiện bảo quản thi hài tốt hơn, lại có ý để người thân ở xa trở về, khách viếng nhìn mặt người đã mất lần cuối, nên có hình thức ô kính trên nắp quan tài. Việc này xảy ra chủ yếu ở các tỉnh, thành miền Bắc.
Để loại bỏ dần hình thức thiếu vệ sinh, phục hồi tập quán tốt đẹp trước đây, và thuận lợi cho hình thức điện táng đang được khuyến khích, dự thảo yêu cầu “quan tài phải đảm bảo kín, không sử dụng [...] ô kính đối với trường hợp chết do dịch bệnh”. Như vậy mềm dẻo hơn Nghị định 105 hiện hành, cấm sử dụng quan tài có ô kính.
Tương tự, quy định “không rắc, rải vàng mã trong lễ tang” chỉ áp dụng với lễ quốc tang và lễ tang cấp nhà nước. Còn lễ tang cán bộ cấp cao và cán bộ, công chức, viên chức thường thì khuyến khích “tiết kiệm, phù hợp với phong tục, tập quán từng vùng”. Riêng việc rắc, rải tiền mặt, ngoại tệ thì vẫn cấm tuyệt đối, do việc làm này vi phạm quy định của nhà nước về bảo vệ tiền mặt.
Về việc sử dụng vòng hoa tại lễ tang, tờ trình của Bộ VHTTDL cho biết từ năm 2001, CP đã có nghị định yêu cầu sử dụng vòng hoa luân chuyển. Tuy nhiên, quy định này chưa được thực hiện nghiêm, gây dư luận không hay. Đã có những lễ tang, do người mất hoặc thân nhân có mối quan hệ rộng, mà số vòng hoa viếng lên tới 400 chiếc, vừa gây lãng phí, hủy hoại môi trường (vì vòng hoa chủ yếu làm từ vật liệu polyme, khó phân hủy), vừa tạo sự so sánh trong xã hội giữa lễ tang cán bộ, dân thường thường với người có chức sắc. Với lập luận như vậy, dự thảo tiếp tục quy định cũ, đồng thời bổ sung nội dung “khuyến khích tổ chức, đơn vị, cá nhân đến viếng dùng vòng hoa luân chuyển do ban tổ chức lễ tang chuẩn bị”.
Với lễ tang của cán bộ, công chức, viên chức thường đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, dự thảo không còn quy định cứng về quy trình, cách thức tổ chức lễ truy điệu, đưa tang, hạ huyệt. Thay vào đó, gia quyến sẽ tự quyết định theo phong tục, tập quán, điều kiện và hoàn cảnh riêng cho phù hợp.
Ngoài một số sửa đổi, bổ sung nêu trên, dự thảo còn chưa đề cập tới trường hợp quốc tang do thiên tai, thảm họa gây thiệt hại lơn tính mạng, của cải của nhân dân, trong khi đây là một yêu cầu mà Bộ Chính trị đặt ra tại kết luận số 19, hồi tháng 4-2011.
Hiện cơ quan soạn thảo đang mong nhận được ý kiến góp ý, phản biện từ các nhà văn hóa để hoàn thiện quy định về tang lễ cho cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó tạo đồng thuận trong xã hội để thực hiện văn minh, tiết kiệm trong tang lễ, lan tỏa dần từ khu vực nhà nước ra ngoài xã hội.
Nghĩa Nhân