Người Mỹ trước đây đã từng nhiều lần kinh qua tình trạng chính phủ bị đóng cửa. Các đời Tổng thống Gerald Ford, Jimmy Carter, Ronald Reagan, George H.W. Bush, Bill Clinton, Barack Obama đều trải qua tình trạng đóng cửa. Trước lần đóng cửa này chính phủ Trump cũng đã trải qua hai lần đóng cửa trong hơn hai năm qua, do đó chuyện này xảy ra không phải chưa có tiền lệ. Điều chưa có tiền lệ là nó kéo dài kỷ lục trước nay trong lịch sử Mỹ: 29 ngày, so với kỷ lục đóng cửa gần nhất là 21 ngày thời chính phủ Clinton.
Hầu hết tình trạng đóng cửa xảy ra ở các trường hợp chính phủ chia rẽ. Tuy nhiên trong lịch sử Mỹ chưa bao giờ chứng kiến sự đối đầu dai dẳng như thế ở hai bên Cộng hòa và Dân chủ. Không bên nào muốn thương lượng. Tổng thống Donald Trump vẫn khăng khăng Quốc hội - do Dân chủ kiểm soát Hạ viện – phải duyệt chi 5,7 tỉ USD xây tường biên giới. Phần mình, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer quyết không duyệt cho ông Trump một đồng nào cho dự án xây tường mà mình cho là “phi đạo đức” này. Bà Pelosi cương quyết ông Trump phải ký thông qua luật ngân sách để mở cửa chính phủ trở lại thì đảng Dân chủ mới ngồi xuống bàn tính các biện pháp giữ an ninh biên giới.
Tám lạng đấu nửa cân
Bốn tuần đóng cửa đầu tiên rất kinh khủng khi gây ra sự hỗn loạn cho cả hệ thống chính phủ và cả người dân Mỹ. Tuy nhiên những gì xảy ra sau đó mới thật sự đáng ngại, theo Washington Examiner.
Chuyện bắt đầu vào ngày 16-1 khi bà Pelosi gửi thư cho ông Trump đề nghị ông hoãn sự kiện phát biểu thông điệp liên bang trước Quốc hội, chờ đến khi chính phủ mở cửa trở lại, hoặc nếu muốn thì có thể truyền tải thông điệp bằng văn bản.
Ngay ngày sau đó ông Trump đã trả đũa bằng cách gửi thư cho bà Pelosi tuyên bố hủy các chuyến công du đến Bỉ, Ai Cập, Afghanistan của bà Pelosi cùng đoàn nghị sĩ bằng máy bay quân sự. Ông Trump nói rằng chuyện bà Pelosi dùng máy bay quân sự trong bối cảnh nhân viên liên bang không được trả lương vì chính phủ đóng cửa là “hoàn toàn không thích hợp”, đề nghị bà Pelosi muốn đi thì hãy dùng máy bay thương mại.
Bà Nancy Pelosi (trái, lúc vừa đắc cử Chủ tịch Hạ viện nhưng chưa nhậm chức) tranh cãi dữ dội về chuyện chi tiền xây tường ngăn biên giới với Mexico trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tại Nhà Trắng ngày 11-12-2018, trước sự chứng kiến của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (giữa). Ảnh: AP
Nhiều ý kiến cho rằng ông Trump vốn ngưỡng mộ bà Pelosi, xem bà là người biết điều hơn nhiều thành viên Dân chủ khác. Đây có thể là lý do tại sao ông Trump không có vẻ thật sự vui thích khi chỉ trích, tấn công bà Pelosi như ông đã từng với nhiều nhân vật Dân chủ nổi bật khác. Đây cũng là lý do tại sao ông gọi bà Pelosi với các tên giễu như đã gọi lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer hay ứng viên tổng thống Hillary Clinton. Tuy nhiên sự kiềm chế này không có vẻ sẽ kéo dài, khi bà Pelosi tiếp tục chê bai ông Trump, theo New York Times. Câu hỏi đặt ra là liệu bà Pelosi có khả năng để mình không bị kéo chung xuống bùn cùng với ông Trump hay không.
Ông Trump đã sẵn sàng nuốt thuốc đắng nhưng bà Pelosi thì chưa
Theo Washington Examiner, trước mắt, để tránh được viễn cảnh này, cả ông Trump lẫn bà Pelosi cần phải nuốt cho được viên thuốc đắng đóng cửa chính phủ.
Có một giải pháp chung, theo Washington Examiner, hai bên Cộng hòa và Dân chủ có thể thông qua một luật chi tiêu gộp hai điều khoản: chi tiền xây tường biên giới và bảo vệ vĩnh viễn những người nhập cư trái phép theo diện “Dreamers” (khôi phục Chương trình tạm hoãn trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA) mà ông Trump ra sắc lệnh hủy bỏ năm 2017). Và ông Trump ký thông qua luật ngân sách mở cửa chính phủ trở lại. Tranh luận lớn hơn về chuyện nhập cư có thể để sau. Đây có vẻ là cách duy nhất để chấm dứt thế bế tắc hiện nay. Hay nói cách khác, cả ông Trump và bà Pelosi cần phải nuốt cho được viên thuốc đắng này. Mỗi bên nhân nhượng nhau một chút, chấp nhận mình sẽ không thể đạt được 100% những gì mình muốn.
Có vẻ ông Trump đã sẵn sàng nuốt thuốc đắng khi ngày 19-1 ông công bố một gói đề xuất thỏa hiệp để mở cửa lại chính phủ.
Cụ thể, ông Trump cho biết ông chuẩn bị khôi phục chương trình DACA vốn ảnh hưởng đến 700.000 người nhập cư cũng như kéo dài chương trình Những diện được Bảo vệ Tạm thời (TPS) vốn ảnh hưởng đến 300.000 người nhập cư. Ngoài ra ông Trump muốn có 800 triệu USD chi trang bị công nghệ phát hiện ma túy tại các cửa khẩu, tăng cường thêm 2.750 nhân viên biên phòng và cảnh sát biên phòng, thêm 75 thẩm phán nhập cư nhằm thúc nhanh hơn quá trình giải quyết các đơn xin tị nạn. Đổi lại, đảng Dân chủ đồng ý duyệt khoản tiền 5,7 tỉ USD để xây tường ngăn biên giới với Mexico theo yêu cầu của ông.
Đáp lại đề xuất thỏa hiệp của ông Trump là cái lắc đầu của bà Pelosi. Theo bà Pelosi, gói đề xuất thỏa hiệp của ông Trump chỉ là “sự biên soạn, góp nhặt của một số sáng kiến vốn trước đó đã bị từ chối, từng cái trong đó không thể chấp nhận, và về tổng thế đề xuất này không cho thấy được thiện chí trong nỗ lực khôi phục tính chắc chắn với mạng sống con người”.
Ai đang nhiều rủi ro hơn?
Bất đồng hai bên sâu sắc tới mức dù chính phủ đã đóng cửa gần một tháng, nhưng các nghị sĩ không hề có sự lạc quan nếu có bất kỳ cuộc đối thoại nào diễn ra vào lúc này.
Theo New York Times, bà Pelosi có lẽ là người duy nhất dám đương đầu với ông Trump. Ông Trump bằng cách nào đó có thể nhìn nhận như một nhân vật chính trị độc đáo. Nhưng bà Pelosi, để trở thành một nữ Chủ tịch Hạ viện lãnh đạo hàng loạt nghị sĩ nam giới, cũng không phải là người đơn giản. Chuyện chịu đựng và xử lý áp lực đối với bà Pelosi không phải mới, khi đó là chuyện bà đã liên tục đối mặt khi vào Quốc hội năm 1987, tìm chỗ đứng giữa một rừng nam nghị sĩ.
Hơn nữa, với kinh nghiệm chính trường của mình, bà Pelosi không lạ gì phong cách chính trị của ông Trump. Lúc này, ở vị trí Chủ tịch Hạ viện, mục tiêu của bà Pelosi là kiềm chế ông Trump và xử lý tính cách được nhiều người cho có phần bốc đồng và trẻ con của vị tổng thống này.
(Từ trái sang): Bà Nancy Pelosi lúc còn là lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan (đảng Cộng hòa), Phó Tổng thống Mike Pence, Tổng thống Donald Trump, lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer trong một cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 7-12-2017. Ảnh: EPA
Tuy nhiên sự quyết liệt của bà Pelosi không phải không có rủi ro, New York Times nhận định. Quan điểm công chúng có thể không phải lúc nào cũng kiên định, và nếu cử tri bắt đầu cảm thấy đảng Dân chủ cố gắng lợi dụng ông Trump để ghi điểm chính trị cho mình, họ có thể sẽ quay lưng với bà Pelosi.
Sẽ không có ai thắng khi các cơ quan, bộ ngành chính phủ liên bang không còn tiền và phải ngưng hoạt động. 800.000 nhân viên liên bang đang không được hưởng lương. Tệ hơn nữa, công chúng đang ngày qua ngày tự hỏi điều gì đã biến những người mà họ bỏ phiếu bầu chọn trở nên cực đoan như thế.
Vậy nên, theo Washington Examiner, thay vì đối đầu nhau, ông Trump và bà Pelosi nên cùng chia liều thuốc đắng này khi tình hình còn kiểm soát được, tránh để đến khi sự giận dữ của công chúng với chính trị vượt quá tầm kiểm soát.