Cụ thể, sau bốn năm, dự án đã giảm được tỉ lệ các em gái trải nghiệm quấy rối tình dục từ 31% năm 2014 xuống còn 19% năm 2018 và giảm được số người cho rằng việc một em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt không phải là việc của họ từ 20% năm 2014 xuống còn 9% năm 2018 ở cả nam và nữ.
Hội nghị cũng cho hay: Với tổng ngân sách 17,32 tỉ đồng, Tổ chức Plan International Việt Nam và các đối tác đã hợp tác hiệu quả triển khai mô hình "Thành phố an toàn" cho em gái.
Dự án thúc đẩy sự an toàn của em gái tại các nơi công cộng, khi tham gia công cộng và sự tham gia chủ động, có ý nghĩa của các em gái vào trong quá trình hoạch định sự phát triển của thành phố nơi các em sinh sống.
Để đạt được mục tiêu này, Tổ chức Plan International Việt Nam đã hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước triển khai chương trình Thành phố an toàn với em gái.
Các bạn trẻ trình diễn kịch truyền thông tại hội nghị.
Từ năm 2014, Plan International Việt Nam hợp tác với Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội (TRAMOC) để triển khai can thiệp thúc đẩy sự an toàn của em gái khi đi lại trên phương tiện xe buýt thông qua các hoạt động đào tạo, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ ngành giao thông, lái xe, phụ xe về bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực giới với em gái.
Bên cạnh đó là các sáng kiến truyền thông do chính các em gái khởi xướng nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng an toàn cho em gái và thúc đẩy các hành động đẹp của nam giới nơi công cộng. Từ năm 2016, can thiệp của chương trình tiếp tục được mở rộng với sự hợp tác của UBND huyện Đông Anh, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) nhằm tạo ra một mô hình cộng đồng an toàn với em gái tại huyện Đông Anh. Từ tháng 8-2017, Plan International Việt Nam phối hợp với Vụ Bình đẳng Giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) để triển khai dự án ở cấp quốc gia.
Theo kết quả khảo sát của Plan International Việt Nam thực hiện vào tháng 6 năm 2013 cho thấy 31% trong số 1.128 các em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt và chỉ có 13% em gái và 8% em trai cho rằng các em gái luôn luôn cảm thấy an toàn nơi công cộng.