Đà Nẵng căng mình chống bão

Clip ngư dân Đà Nẵng kéo tàu vào bờ tránh bão.

Trước việc bão đang uy hiếp TP Đà Nẵng, ngay trong chiều nay, ông Hồ Kỳ Minh (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) đã chủ trì cuộc họp liên quan đến công tác phòng chống bão.

Theo Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung-Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng), do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), đã có hơn 7.000 tàu thuyền đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa chủ động tìm nơi trú tránh.

Các lực lượng chức năng đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 7.092 tàu/45.853 lao động (LĐ) biết vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh. Được biết trong đó khu vực từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng: 221 tàu/2.587 LĐ; khu vực từ Phú Yên đến Kiên Giang: 1.924 tàu/14.547 LĐ; khu vực quần đảo Hoàng Sa: 20 tàu/140 LĐ;  khu vực giữa Hoàng Sa-Trường Sa: 308 tàu/2.156 LĐ; khu vực quần đảo Trường Sa: 287 tàu/2.050 LĐ...

Ngư dân Đà Nẵng chuẩn bị kéo tàu vào bờ tránh bão. Ảnh: LÊ PHI

Nhiều lực lượng chức năng cùng người dân phường Mân Thái đưa tàu lên bờ trú bão. Ảnh: LÊ PHI

Tàu thuyền được đưa hẳn lên đường để tránh bão. Ảnh: LÊ PHI

Tàu được đưa vào trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: LÊ PHI

Các lực lượng chức năng thuộc các phường ven biển của TP Đà Nẵng như: Thọ Quang, Mân Thái… đã huy động toàn lực đưa tàu thuyền của ngư dân lên bờ. Đến 17 giờ chiều 12-9, các lực lượng chức năng quận Sơn Trà vẫn đang cố gắng đưa tàu thuyền của ngư dân phường Mân Thái lên bờ trong lúc trời mưa mù mịt. Ngư dân đã căng mình chống bão suốt cả chiều nay.

Tuy nhiên, rất nhiều công trình xây dựng không chịu hạ cần cẩu. Việc để cần cẩu treo lủng lẳng trên đầu khi bão vào là hết sức nguy hiểm. Ảnh: LÊ PHI

Đến thời điểm này, ông Nguyễn Đình Vĩnh (Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng) đã có công văn gửi các đơn vị, trường học cho phép học sinh nghỉ học từ ngày 13-9 do ảnh hưởng của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng cho phép học sinh được nghỉ học vì bão. Ảnh: LÊ PHI

Ngoài ra, nếu tình hình thời tiết diễn biến phức tạp thì thủ trưởng các đơn vị theo dõi thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của các cấp có thẩm quyền để tiếp tục cho học sinh nghỉ học. Đồng thời, các đơn vị quán triệt trong học sinh, phụ huynh hạn chế đi lại để bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng trước, trong và sau bão.

Theo ghi nhận của PV tại khu vực ven biển Đà Nẵng, mặc dù theo quy định về phòng chống thiên tai, khi đối phó với bão thì các công trình xây dựng buộc phải hạ cần cẩu xuống, tuy nhiên nhiều công trình khách sạn đang được xây dựng tại TP Đà Nẵng đã không chấp hành mệnh lệnh này. Đến chiều tối 12-9, những cần cẩu tử thần vẫn treo lủng lẳng trên đầu người dân khi chỉ còn rất ít thời gian nữa bão sẽ đổ bộ vào đất liền.

Theo dự báo, vào chiều 12-9, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam-Bình Định khoảng 170 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 8-9. 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ kết hợp với đới gió đông bắc, ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã có mưa với lượng mưa phổ biến 50-100 mm, một số có mưa rất to như: An Chỉ (Quảng Ngãi) 200 mm; Sông Vệ (Quảng Ngãi) 190 mm; Hoài Ân (Bình Định) 170 mm; Bồng Sơn (Bình Định) 230 mm;… Tại đảo Lý Sơn đã có gió giật mạnh cấp 7. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa dông, lốc kèm gió giật mạnh. 

Đến 22 giờ ngày 12-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam-Bình Định khoảng 100 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 9-10. 

Do ảnh hưởng của ATNĐ sau mạnh lên thành bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao 3-4 m, biển động mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm