Theo đó, công điện yêu cầu huy động tất cả lực lượng, phương tiện và mọi biện pháp để chủ động ứng phó; phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và các đơn vị liên quan trên địa bàn chỉ đạo thực hiện khẩn trương, đồng bộ các biện pháp phòng, chống.
Tổ chức chằng, chống nhà ở thật chặt (nhất là nhà mái tôn), trụ sở làm việc, các trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng... Có các biện pháp bảo vệ trụ ăng ten,… đảm bảo an toàn; cắt tỉa cành, chằng, chống cây ven đường và gần nhà, trụ sở tránh ngã đổ.
Tàu thuyền ngư dân Quảng Nam đang chủ động trú tránh mưa bão. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ. Triển khai lực lượng xung kích phòng, chống lụt bão ở địa phương giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, di chuyển dân đến tạm trú nơi an toàn; sẵn sàng thực hiện cứu nạn, cứu hộ nhân dân nơi khó khăn. Hướng dẫn các tàu thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tàu thuyền tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, đảm bảo an toàn.
Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm; cương quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất. Nghiêm cấm tất cả tàu thuyền của tỉnh ra khơi. Nghiêm cấm các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt các phương tiện chở người qua lại khi có bão, nhất là các bến phà.
Sở GD&ĐT, các địa phương chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học cho đến khi bão tan. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn chủ động triển khai lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ. Bố trí lực lượng kiểm tra, trực ứng cứu tại các công trình hạ tầng xung yếu, nhất là các hồ chứa nước, công trình thủy lợi, thủy điện, giao thông, đường cao tốc đang thi công dở dang nhằm bảo vệ an toàn công trình và các khu vực lân cận, đề phòng xảy ra sự cố.