Vốn lẽ dân làm chủ mà, dân có quyền nghi ngờ bất kỳ điều gì mà họ cảm thấy “lạ”. Thôi thì “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, dân ngờ nhiều như thế là do chính các vị đã “tạo cớ” để người ta săm soi, đặt dấu hỏi. Chốn công quyền nơi đại diện cho sự nghiêm túc, công minh, chứ đâu phải là nơi giao dịch tài chính mà mang cả khối tiền để ở đó; đằng này tiền lại nằm trong những phong bì càng khiến người ta xì xào, to nhỏ. Nhất là khi cái nạn “phong bì” đang trải dài khắp đất nước, từ trong nhà ra ngoài phố, nó làm người dân ngán ngẩm mỗi lần đi giao dịch với các cơ quan nhà nước. Và trong khi cái nạn ấy làm cho túi quan chức to lên bao nhiêu thì càng làm hình ảnh của người nắm giữ công quyền trong mắt dân “xẹp” xuống bấy nhiêu.
Trong bối cảnh đó, thiết lập lại sự liêm chính - văn hóa căn bản và tối hệ trọng của chốn công quyền là vô cùng cần thiết và cấp bách. Suốt thời gian qua, Đảng đã nhận thấy thực trạng ấy và đang ra sức trên nhiều mặt trận từ giáo dục, rèn luyện đạo đức công vụ cho đến những chế tài răn đe nhằm thức tỉnh “một bộ phận không nhỏ…” cán bộ có biểu hiện “suy thoái”. Tất nhiên sẽ là khó thành công nếu như chính từ những người trong cuộc không tự răn, tự “trách mình” trước để điều chỉnh một cách thực sự. Làm sao đó để ít nhất người dân thương mình chứ không phải ngờ vực đủ điều trong những sự vụ mà mình đang ở tư thế “người bị hại” như thế nữa.
MẠNH LÊ