Đại biểu Thắng lý giải về 'thu phí chống ngập nhà cao tầng'
Sáng 10-7, kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX, đại biểu Trần Quang Thắng đã đề xuất những chủ đầu tư muốn xây nhà cao tầng trên địa bàn TP phải chịu phí để dự phòng giải quyết vấn đề chống ngập nước.
Chia sẻ với báo chí bên lề kỳ họp, đại biểu Trần Quang Thắng nói rõ hơn về đề xuất của mình.
Đại biểu Trần Quang Thắng chia sẻ với báo chí bên lề kỳ họp. Ảnh: TÁ LÂM
Theo ông Thắng, sở dĩ ông đề xuất như trên xuất phát từ sự đồng lòng của xã hội vì chúng ta thấy rõ những nhà chung cư càng cao tầng thì càng có lợi cho nhà đầu tư nhưng còn người thụ hưởng các công trình đó, người dân toàn TP thì phải có sự đánh đổi.
“Khi thu phí nhà cao tầng, trước mắt nhà đầu tư sẽ tăng phí đó cho người nào mua căn hộ” - ông nói.
Theo ông Thắng, vấn đề là khi những người muốn mua căn hộ ở những khu sang thì phải chấp nhận chi phí đóng góp để giải quyết các vấn đề xã hội nói chung. Việc thu phí không cào bằng, mà nên thu theo địa hình, đặc điểm, tính đẳng cấp của tòa nhà cao tầng đó. Tính đẳng cấp càng cao thì phí càng phải cao, điển hình như khu đường Nguyễn Hữu Cảnh.
“Còn những khu chung cư mà người thu nhập thấp, nhà ở xã hội thì chỉ lấy phí tượng trưng, không thể lấy phí cao được vì ích lợi chung của xã hội” - ông nói.
Đánh giá về thực trạng xây nhà cao tầng trên địa bàn TP, ông Thắng cho rằng việc xây nhà cao tầng rõ ràng đã tạo độ nén trên đất rất cao, đồng thời làm cho diện tích thoát nước ở đất đai vùng trũng không còn diện tích cần thiết để giúp thấm nước cơ học dễ dàng. “Rõ ràng đây là nguyên nhân trực tiếp gây ngập, nên phải có nghĩa vụ đóng góp trực tiếp” - ông nhận định.
Vị đại biểu này cho rằng nếu thu phí nhà cao tầng thì vấn đề chống ngập nước chắc chắn sẽ tốt hơn, vì khi thu phí nhà đầu tư sẽ có nghĩa vụ làm hệ thống cống thoát nước tốt hơn, để tự bảo vệ mình và bảo vệ người dân trong tòa nhà cao tầng đó.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng doanh nghiệp có thể tham gia góp vốn để xây dựng hạ tầng giao thông sẽ rất tốt. Ảnh: LÊ THOA
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP, cho rằng tất cả hành vi đều theo quy định, phải có hệ số mật độ xây dựng, hạ tầng phải tương thích với quy mô dân số, khu nào cũng đầy đủ, không thể nào làm sai được. Đây là vấn đề nhà nước gánh.
Tuy nhiên, trong điều kiện nhà nước chưa làm được, doanh nghiệp có thể tham gia góp vốn để xây dựng hạ tầng giao thông cho TP thì sẽ rất tốt.
Theo ông Hoan, trong báo cáo tổng kết năm năm về dự án phát triển nhà ở của TP cho thấy xu hướng phát triển nhà ở cao tầng ở TP.HCM chiếm tỷ lệ cao hơn nhà ở riêng lẻ.
“Điều này cho thấy xu hướng tích cực tiến bộ và nó đã bắt đầu tạo tâm lý thói quen được sống trong những căn nhà cao tầng có điều kiện tiện nghi tốt hơn, đó là tâm lý của giới trẻ” - ông Hoan nói.