Chiều 24-9, Sở Công Thương Bến Tre, Sở Công Thương TP.HCM tổ chức Hội thảo kết nối tiêu thụ sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đặc sản Bến Tre.
Hội nghị là hoạt động xúc tiến thương mại khởi đầu hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khắc phục khó khăn khôi phục thị trường, ổn định sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19. Đồng thời, tạo cơ hội giúp DN tỉnh Bến Tre mở rộng hoạt động giao thương, xây dựng chuỗi liên kết, sản xuất phân phối kết nối hàng hóa vào hệ thống phân phối tại thị trường TP.HCM.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết Bến Tre là tỉnh đi đầu trong xây dựng mô hình mẫu thành công về phát triển chương trình OCOP.
Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc thu mua toàn quốc siêu thị MM Mega Market, cho biết đơn vị đã thu mua rất nhiều mặt hàng của tỉnh Bến Tre như bưởi hồng da xanh, tôm thẻ, mít tố nữ, cam đều mua từ tỉnh này. Trong đó, có 60% bưởi hồng da xanh, 80% lượng tôm thẻ đang tiêu thụ tại MM Mega Market.
“Ngoài trái cây, thủy sản là thế mạnh, nhắc tới Bến Tre là người ta nghĩ đến dừa. MM Mega Market vừa xuất khẩu một container trái dừa Bến Tre đi Đài Loan. Sắp tới sẽ có rất nhiều container dừa Bến Tre tiếp tục xuất sang thị trường này”- ông Hùng nói.
Bến Tre hiện có 59 sản phẩm OCOP được giới thiệu tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hoá giữa TP.HCM và các tỉnh năm 2020. Ảnh: TÚ UYÊN
Ông Hùng cho biết thêm, hiện nay Big C Thái Lan với 1.500 siêu thị sức mua rất lớn. Với nhu cầu xuất khẩu qua kênh phân phối của tỉnh Bến Tre, MM Mega Market sẽ tiếp hợp tác với tỉnh để đưa nhiều hàng hoá Bến Tre sang Thái Lan và các nước, góp phần tăng trưởng kinh tế tỉnh.
“Các mặt hàng chiến lược tỉnh Bến Tre có bưởi hồng da xanh, tôm thẻ, sầu riêng, măng cụt cũng rất nổi tiếng. Vì vậy, các DN cần tập trung vào thế mạnh để sản phẩm OCOP tạo sự khác biệt, tăng sức cạnh tranh"- ông Hùng chia sẻ.
Cùng quan điểm, đại diện Saigon Co.op cho rằng Bến Tre cần tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP và DN cần đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm OCOP.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Nguyễn Trúc Sơn, ghi nhận những đóng góp của DN để sản phẩm Bến Tre ngày càng tốt hơn. Riêng những sản phẩm OCOP Bến Tre đang dần cải thiện, hiện nay việc chú ý đến chất lượng đồng bộ, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được tỉnh đầu tư mạnh mẽ.
Tầm nhìn của tỉnh OCOP không chỉ là một chương trình, Bến Tre có thế mạnh về kinh tế vườn, kinh tế biển hàng năm những sản phẩm thế mạnh này xuất khẩu sang 77 quốc gia vùng lãnh thổ giá trị 1,2 tỉ USD.
Với mong muốn về sự phát triển bền vững, liên tục hợp tác trong và ngoài nước, đặc biệt thị trường nội địa với 96 triệu dân, tỉnh đang trong quá trình thay đổi. Bến Tre không chỉ muốn bán hàng mà đã sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư.
Khách tham quan mua sản phẩm chế biến từ dừa của tỉnh Bến Tre tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hoá giữa TP.HCM và các tỉnh năm 2020. Ảnh: TÚ UYÊN
Ông Sơn thông tin thêm, trong buổi gặp gỡ 27 tổng lãnh sự quán Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ cùng các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ để trao đổi về việc đưa hàng hoá Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với cộng đồng quốc tế, tỉnh đã chú ý đến xuất khẩu hàng ra thị trường thế giới qua kênh phân phối.
“Sản phẩm chế biến dừa của Bến Tre có mặt trong hệ thống siêu thị Costco của Hoa Kỳ. Tai một số siêu thị lớn ở nước ngoài, sữa dừa, nước dừa đóng hộp cũng như các chế phẩm từ dừa khác Bến Tre có thể cạnh tranh với sản phẩm của Thái Lan”- ông Sơn nói.