Đại hội VFF khóa mới nhiều lần phải lùi thời gian tổ chức để hoàn thiện công tác giới thiệu, đề cử, xem xét tư cách ứng viên,… nhưng tuyệt nhiên không có màn tranh cử bằng các đề án chi tiết cho từng chiếc ghế trong ban chấp hành lẫn các chức danh chủ chốt.
Bốn năm trước, ông Lê Hùng Dũng rất hào hứng với cuộc cạnh tranh lành mạnh qua hình thức lấy phiếu bầu nhờ chương trình hành động cụ thể cho bóng đá Việt Nam. Rốt cuộc, ghế chủ tịch chỉ có mình ông ứng cử nên không tranh mà chỉ có hứa hẹn.
Hồi đấy ai cũng nhớ tân chủ tịch VFF sau nhiều nhiệm kỳ giữ chức danh phó chủ tịch phụ trách tài chính đã rất hùng hồn tuyên bố. mỗi năm sẽ mang về hơn 300 tỉ đồng cho bóng đá Việt Nam. bên cạnh đó, mỗi LĐBĐ địa phương sẽ được hỗ trợ 1 tỉ đồng để hoạt động. Cuối cùng, những con số ông Lê Hùng Dũng nói và phần lũy tiến 15% cho các năm tiếp theo của khóa VII vẫn chỉ là lời “hùng biện”.
Hy vọng những lá phiếu ở Đại hội khóa VIII sẽ có sự thay đổi bởi trách nhiệm tìm người tài chứ không lặp lại chuyện vận động hành lang và đấu đá. Ảnh: QUANG THẮNG
Sắp tới mùa đại hội, chủ tịch VFF còn nói rõ hơn, nếu ai không làm được việc thì mỗi năm hội nghị ban chấp hành có quyền bỏ phiếu thôi nhiệm để đưa người khác lên thay. Rõ ràng đấy là chuyện lạ vì khóa VII sắp kết thúc có rất nhiều người không làm tốt nhưng vẫn tại vị và được “bảo chứng”.
Khóa VII có những dấu ấn đặc biệt là thành tựu của bóng đá trẻ và các lò đào tạo tự mình hoạt động đóng góp cho quốc gia. Tuy nhiên, phần “đen” lại là bè nhóm và đấu đá cùng những ứng xử vô văn hóa.
Chính sự thụ động của các ứng viên ban chấp hành và các lãnh đạo VFF nên gần như chẳng có kỳ đại hội nào họ cần phải chứng minh khả năng của mình. Ngược lại, chủ yếu là vận động hành lang và thậm chí là tìm cách hạ uy tín các đối thủ. Dễ thấy nhất là trước thềm đại hội VFF mùa nào cũng có chuyện không hay ho của nhiều ứng viên. mỗi thời mỗi khác nhưng chưa có lần nào ầm ĩ, mất mặt như lần này.
Cho nên việc một ứng viên ngoại đạo vào ghế phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính như ông Trần Văn Liêng - Tổng Giám đốc Công ty VinaCacao tự họp báo giới thiệu chương trình hành động của mình trước kỳ Đại hội khóa VIII bỗng trở thành một sự kiện lạ.
Thực tế cách đây 13 năm, luật sư Trần Vũ Hải từng viết đề án phát triển bóng đá Việt Nam để trình bày khi tranh cử chủ tịch VFF nhưng giờ chót bị “người của ngôi nhà bóng đá” đẩy ra sau khi dựa vào các tiêu chí của VFF.
Bây giờ thì ông Trần Văn Liêng bất chấp điều tiếng PR cho doanh nghiệp hay bị nghi là bán hàng đa cấp, vẫn tự đứng ra chỉ vẽ cho VFF cách kiếm tiền mà không phải đi xin. Ông Liêng tính toán ngay trong năm 2018 sẽ mang về 121 tỉ đồng cho VFF nhờ ứng dụng tải qua mạng, gọi tắt là hệ sinh thái VFEco và khoản thu năm cuối của nhiệm kỳ là 249 tỉ đồng.
Chỉ mong là các ứng viên nói được làm được hoặc không nói, nói ít làm nhiều thì VFF nhiệm kỳ mới đỡ khổ lắm!
“Chế độ chờ” sau scandal chửi bới, dọa dẫm nhau Hiện cả hai ông Dương Văn Hiền và Trần Mạnh Hùng đều ứng cử vào ban chấp hành VFF cho chiếc ghế trưởng Ban Trọng tài và phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính. Tuy nhiên, sau vụ phát tán băng ghi âm ông Hùng lăng mạ ông Hiền rồi từ chức phó chủ tịch VPF, không ít ý kiến cho rằng tiểu ban nhân sự Đại hội khóa VIII nên xét tiêu chí đạo đức và loại cả hai khỏi danh sách ứng viên vì làm ảnh hưởng lớn đến bộ mặt của bóng đá Việt Nam. Hiện cả hai nhân vật cộm cán trên đang ở "chế độ chờ" và người hâm mộ cũng chờ chính kiến của tiểu ban nhân sự xem có thách thức dư luận hay không. |