Một thành viên trong ban chấp hành VFF chia sẻ trong lo âu: “Vụ lộ băng ghi âm đầy tiếng chửi thề, thách thức lẫn hăm dọa mang tính xã hội đen làm giảm đi uy tín của các tổ chức bóng đá và qua đó cho thấy công tác điều hành quá kém của những người được giao việc. Buồn cho ngôi nhà bóng đá nhưng cũng phải thừa nhận là còn may khi biết được một phần sự thật của những người điều hành bóng đá với cách hành xử như thế để thức tỉnh nhiều người lẫn thận trọng hơn trong công tác nhân sự trước Đại hội VFF khóa VIII”.
Nhiệm kỳ của ông Lê Hùng Dũng làm ít, đấu nhiều
Trước đây, trong loạt bài về “Chuyện lạ ở VFF”, chúng tôi dự kiến kết thúc bằng bài phỏng vấn riêng Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng với mong muốn sắp hết nhiệm kỳ, ông Dũng sẽ bày tỏ tất cả cái được và chưa được như một lời trần tình. Để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn trên, chúng tôi đã soạn ra rất nhiều câu hỏi bao gồm phần ĐƯỢC như sức sống bóng đá trẻ; sự phát triển của các lò đào tạo; dấu ấn các ông bầu và những doanh nghiệp làm bóng đá tử tế; thành công của futsal cùng vòng chung kết World Cup… Bên cạnh đó cũng là những câu hỏi liên quan đến phần CHƯA ĐƯỢC với rất nhiều ý lấy ra từ “Chuyện lạ ở VFF” và mong ông Dũng sẽ chia sẻ với những tâm tư của một người đứng đầu muốn phát triển rất nhiều nhưng chưa thể thực hiện, hoặc trong quá trình thực hiện đã bị dẫn dắt và lệch hướng bởi việc giao quyền bất đắc dĩ khi ông Dũng bệnh, từ đấy phát sinh ra nhóm quyền lợi, mâu thuẫn nội bộ và đấu đá…
Tiếc là cuộc phỏng vấn nhằm đặt hết vấn đề ra một cách sòng phẳng đã được ông Dũng hẹn lại với lời nhắn: “LĐBĐ Việt Nam đang làm tổng kết nhiệm kỳ nên chờ sau khi xong các báo cáo tổng kết để có cái nhìn đầy đủ hơn”.
Đến nay chúng tôi vẫn chờ cuộc hẹn đấy và tin chắc là phần báo cáo tổng kết ngày càng rối hơn khi khâu chuẩn bị nhân sự gặp hàng loạt vấn đề rồi tiếp đến là những cuộc đấu đá trước đại hội ngày một dày hơn và thâm hiểm hơn.
Không cần đợi đến bản tổng kết chính thức được ban hành, giới bóng đá đều chắc chắn một điều đó là nhiệm kỳ qua, đỉnh cao của phần hạnh phúc từ bóng đá mang lại là chiến tích của đội U-23 Việt Nam tại vòng chung kết châu Á. Ngược lại, phần đen nhất khiến nhiều người thất vọng chính là văn hóa ứng xử trong bộ máy bóng đá toàn đấu đá, lập nhóm quyền lợi rồi triệt hạ nhau mà rõ nhất là sự trần trụi được phơi bày trong đoạn băng ghi âm một cuộc họp kiểm điểm.
Nhiệm kỳ của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã để xảy ra đấu đá quá nhiều. Ảnh: QUANG THẮNG
Tiêu chí “săn người” ở VFF và VPF
Sau vụ lộ băng ghi âm, nhiều người đặt vấn đề với câu hỏi: Ông Phó Chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng, người chửi thề, hăm dọa và hùng hổ kiểu xã hội đen với ông Phó ban Trọng tài VFF Dương Văn Hiền có phải là sản phẩm từ việc “săn đầu người” của VFF và VPF không?
Hỏi thế vì nửa nhiệm kỳ VII, ông Trần Mạnh Hùng khi ấy còn là chủ tịch CLB Hải Phòng và còn là người trong bóng tối. Cho đến cuộc họp cổ đông Công ty Cổ phần Bóng đá Việt Nam - VPF khóa trước, khi ông Hùng đứng lên đăng đàn như mắng mỏ HĐQT Công ty VPF mà chủ yếu là tấn công ông Phó Chủ tịch HĐQT Phạm Phú Hòa. Cũng thời điểm đấy, ông Hùng hay to tiếng mắng các quan chức VFF mà rõ nhất là việc ông “xổ” thẳng vào Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khi thất hứa cho mỗi LĐBĐ địa phương 1 tỉ đồng nếu đắc cử (sau đó ông Dũng lại thay “phần thưởng” 1 tỉ đồng bằng việc cấp cho mỗi LĐBĐ địa phương một máy vi tính để bàn). Khi các cán bộ VFF mang máy tính đến, ông Hùng thẳng thừng từ chối, kiên quyết không nhận “quà” của chủ tịch VFF…
Thời gian “học nghề”, ông Hùng cũng thường có mối quan hệ với Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ, với Chủ tịch CLB SL Nghệ An Nguyễn Hồng Thanh và với cả Phó Chủ tịch VPF khóa trước Phạm Ngọc Viễn…, những người được xem là “thất thế” trong bộ khung điều hành VFF vì trực tính và hay đóng góp ý kiến phản biện ở VFF.
Sau đó không lâu thì ông Trần Mạnh Hùng ngồi ghế quan, bắt đầu bằng chức phó chủ tịch VPF, chức vụ mà ông Phạm Phú Hòa từng ngồi và bị chính ông Hùng “bắn” không thương tiếc trong cuộc họp cổ đông.
Một cựu phó chủ tịch VFF hiểu về nội tình ngôi nhà bóng đá đã tâm sự: “Ở VFF, nhiều quan chức rất sợ ông Hùng vì ông này ăn nói bạt mạng và chẳng sợ ai. Cần đấu thì đấu, cần chửi thì chửi. Không biết có phải vì thế hay không mà ông Hùng sau đó được nhiều quan chức ở VFF trọng dụng mời vào ghế phó chủ tịch VPF và có thể là đường quan lộ ở khóa VIII VFF nữa khi được dọn chỗ vào ban chấp hành...”.
Băng ghi âm đã vạch trần về cách ứng xử của những người làm quan to trong bộ máy điều hành bóng đá. Ảnh: CTV
Ông Trần Mạnh Hùng bị nhiều người đề nghị rút khỏi bóng đá và chiều 22-5 ông đã từ chức phó chủ tịch VPF. Ảnh: A.BÌNH
Vì sao cả VPF lẫn VFF đều muốn che?
Cuộc họp mang hơi hám xã hội đen diễn ra ngày 15-5 nhưng đến 19 giờ 20 ngày 19-5, trên trang web của VFF mới chính thức có thông cáo báo chí về cuộc họp đấy. Bốn ngày cho một thông cáo báo chí khác quá xa với chiêu trò tốc hành gửi email đề nghị từng thành viên ban chấp hành đồng thuận với vụ “tiêu chí bằng đại học” để loại người tài diễn ra nhanh gọn trong vài ngày nghỉ Tết với điểm nhấn không trả lời là đồng ý (!?). Đáng nói hơn là thông cáo báo chí chỉ ban hành sau một ngày khi đoạn ghi âm cuộc đấu phản ánh tính chất côn đồ giữa Phó Chủ tịch VPF Trần Mạnh Hùng và Phó ban Trọng tài VFF Dương Văn Hiền được tung ra trên mạng xã hội.
Lạ ở chỗ bốn người còn lại hiện diện trong cuộc họp kiểm điểm đấy đều nói rằng họ chỉ là người tham dự, chứng kiến chứ không giữ vai trò chính…
Những tiếng can ngăn hay ít ra là lấy quyền hành của cấp trên yêu cầu ông Hùng đừng quá đà đã không xảy ra và điều này càng làm người hâm mộ nghi ngờ. Một là ai cũng sợ ông Hùng, hai là họ mặc nhiên để ông Hùng xử lý theo kiểu xã hội đen.
Ở đây cũng cần phải nhắc đến vai trò của những người cầm trịch trong cuộc họp. Ông Nguyễn Nam Hùng chủ trì và là trưởng Ban Kiểm tra VFF nhưng lại không dám quyết gì trong cuộc họp này mà lại toàn… năn nỉ và giảng hòa trong khi ông hoàn toàn có thể xử bằng luật. Ông Nam Hùng chủ trì là trưởng một ban nhưng việc gì cũng nói rằng để báo cáo lên chủ tịch VFF và xin ý kiến của các anh ấy rồi truyền đạt lại (!?). Cái gì cũng phải xin ý kiến mà không thực hiện đúng chức năng, quyền hạn của mình thì tại sao không để ông chủ tịch chủ trì hay người có trách nhiệm cao nhất phụ trách cả bóng đá chuyên nghiệp lẫn trọng tài là Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn thì lại trốn tránh?
Gốc rễ của phần dung tục và xã hội đen trong cuộc họp rõ ràng không chỉ là chuyện của hai người như cái cách lãnh đạo của VFF và VPF nói.
Ngồi nhầm ghế ở VFF và VPF Rất nhiều bạn đọc gửi thư và email đến Pháp Luật TP.HCM bày tỏ sự bất bình với những người điều hành bóng đá mà hành xử vô văn hóa, mang tính côn đồ. Rất nhiều người hâm mộ thắc mắc vì sao những người như thế lại ăn rễ rất sâu và có vai vế trong bộ máy điều hành bóng đá Việt Nam. Qua đó đánh dấu hỏi: “Phải chăng có thế lực nào hay có sự chống lưng để họ lấn sâu vào những vị trí quan trọng như thế?”. Đúng là đáng lo thật khi nhiều người đang ngồi nhầm ghế ở VFF và VPF. Lạ nhất là cái ghế của người có 17 chức vụ, trong đó ôm cả bóng đá chuyên nghiệp lẫn công tác trọng tài thì tuyệt nhiên vắng mặt trong cuộc họp kiểm điểm quan trọng trên. Thay vào đó đẩy ông trưởng Ban Kiểm tra vào không làm đúng chức năng của mình mà lại đi năn nỉ những người sai phạm. Rồi hai cấp trưởng (Ban Trọng tài) và chủ tịch (VPF) lẫn tổng thư ký VFF đều quan to mà vẫn ngồi im chịu trận, xem cấp dưới mình văng tục và thách đấu rồi hăm dọa kiểu xã hội đen. Đã đến lúc phải xem lại những chiếc ghế mà có quá nhiều người ngồi nhầm. NGUYỄN NGUYÊN |