Thấp thoáng “bóng ma” Thế chiến
Vụ ám sát Đại sứ Nga Andrei Karlov ngay giữa một sự kiện công cộng ở thủ đô Ankara đã làm dấy lên nhiều lo ngại cho tương lai mối quan hệ hai nước. Bi kịch xảy ra khi hai nước chỉ mới bắt đầu làm lành mối quan hệ sau vụ khủng hoảng Su-24 Nga bị chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ gần biên giới Syria.
Vụ ám sát Đại sứ Nga ngay giữa thủ đô Ankara khiến nhiều người lo ngại về tình hình an ninh khu vực bị xấu đi.
Một số người nhận định vụ khủng bố thấp thoáng nét tương đồng với vụ ám sát lịch sử vào năm 1914, giết chết Thái tử Áo Franz Ferdinand và châm ngòi Thế chiến lần thứ nhất. Trong vụ ám sát lần này, nghi phạm lại được xác nhận là một sĩ quan cảnh sát của Thổ Nhĩ Kỳ, với lời kêu gọi “trả thù” cho Aleppo và Syria. Cách đây gần một tháng, đích thân Tổng thống Erdogan cũng từng “lỡ miệng” tuyên bố Ankara đưa quân vào Syria là để lật đổ Tổng thống basher al’Assad. Tình hình đối đầu chiến lược tại khu vực hiện nay, cùng với “bóng ma” thế chiến đẫm máu trong lịch sử khiến cho nhiều người lo ngại về viễn cảnh an ninh khu vực.
Trang bình luận Foreign Policy chỉ ra một số “nguy hiểm” trong mối quan hệ Nga -Thổ mà bi kịch lần này có khả năng gây hậu quả xấu.
Đầu tiên là các cáo buộc tin tặc Nga tấn công mạng Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian vừa qua. Nhiều hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ và quốc tế cho rằng các tin tặc Nga thường xuyên trợ giúp tổ chức Wikileaks thu thập và rò rỉ nhiều thông tin nội bộ nhạy cảm của chính phủ các nước. Ngày 7-12, Wikileaks cũng vừa công bố hơn 57.000 email cá nhân của Bộ trưởng năng lượng và tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ - Berat Albayrak, đồng thời cũng là con rể của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Vụ việc có thể khiến các lời đồn thổi không mấy tốt lành này lan rộng.
Thứ hai, mối quan hệ hai nước hiện dù đã “làm lành” nhưng vẫn còn mong manh. Nếu mối quan hệ bị xấu đi, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vốn phụ thuộc nhiều vào Nga sẽ lại chịu sức ép lớn. Hồi Ankara và Moscow vẫn còn căng thẳng do sự cố F-16 bắn hạ Su-24, tổng giá trị xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga đã giảm đến 737 triệu USD. Kể từ khi ông Erdogan chính thức lên tiếng xin lỗi về vụ việc vào tháng 6-2016, tình hình kinh tế vẫn chưa được cải thiện.
Thứ ba, vụ ám sát liên quan đến vấn đề Aleppo có nguy cơ khiến các thỏa thuận ngừng bắn và sơ tán nhân đạo tại thành phố này sụp đổ. Tồi tệ hơn, tình hình chiến sự trên toàn Syria có thể sẽ leo thang sau vụ việc này như một động thái trả đũa nhắm vào các lực lượng đối lập chính phủ Assad.
Thêm gắn kết sau bi kịch?
Tuy nhiên, kể từ khi vụ ám sát xảy ra, cả Ankara và Moscow đều đã đồng loạt lên án đây là một “hành động khủng bố” và nhằm làm suy yếu mối quan hệ hai nước. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng đề nghị hỗ trợ cả hai nước điều tra vụ ám sát. Những động thái này phần nào xóa đi các lo ngại quan hệ các nước tăng căng thẳng sau bi kịch. Nhiều chuyên gia cho rằng ông Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều khả năng tìm thấy các kẻ thù chung để quy trách nhiệm cho vụ ám sát.
Cả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Putin (phải) đều chủ động ngăn ngừa khủng hoảng làm xấu đi mối quan hệ hai nước.
Theo tờ The Guardian, cả Ankara và Kremlin đều đã tuyên bố sẽ sớm tổ chức một cuộc họp mặt giữa các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng ba nước Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran tại Moscow. Mục đích cuộc gặp mặt là để lên kế hoạch các bước đi kế tiếp tại Syria. Đích thân ông Erdogan đã gọi điện cho Tổng thống Nga để trao đổi về vụ ám sát lần này, sau đó xác nhận rằng “hợp tác và quyết tâm chống khủng bố của hai nước sẽ được gia tăng mạnh hơn”.
Mustafa Akyol, một nhà bình luận chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định ông Erdogan và Putin đều “tin có một âm mưu của các nước phương Tây muốn hai nước chống lại nhau”. Các thuyết âm mưu chống phương Tây đã nhanh chóng mọc lên như nấm sau mưa lên sau vụ ám sát.
Nghị sĩ Nga Frantz Klintsevich khẳng định vụ việc nhiều khả năng do “tình báo NATO đứng sau”. Còn nghị sĩ Nga Alexei Pushkov đổ lỗi vụ thảm sát là do “các bịa đặt chính trị và truyền thông” của những “kẻ thù của nước Nga” kích động, lên án vụ ám sát là một “cuộc chiến âm thầm chống lại nước Nga”.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều có các mục tiêu riêng trong chiến sự Syria cần sự hỗ trợ của nhau. Ảnh: News Week
Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người ủng hộ ông Erdogan đã lan truyền thuyết âm mưu vụ ám sát là do giáo sĩ Fethullah Gulen đứng sau. Ông Gulen bị chính quyền của Tổng thống Erdogan quy kết là “đầu não” tổ chức vụ đảo chính vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ, hiện ông đang tị nạn chính trị ở Mỹ.
Nhiều chuyên gia phân tích ngoại giao cũng cho rằng hai nhà lãnh đạo sẽ không dễ gì phá vỡ những thỏa thuận hai nước đạt được trong vấn đề Syria. Cả hai đều đeo đuổi các mục tiêu chiến tranh cần có sự hỗ trợ của phía còn lại. Với Thổ Nhĩ Kỳ là chiến dịch quân sự nhắm vào lực lượng người Kurd ở phía bắc Syria. Với Nga là chiến dịch quân sự tại Aleppo và tham vọng đập tan lực lượng chống đối Assad.
“Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều có đủ động lực để kiềm chế cuộc khủng hoảng lần này” -ông Aaron Stein, nghiên cứu viên tại trung tâm Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết. Ông cũng khẳng định vụ ám sát sẽ khiến Nga có nhiều lợi thế hơn nữa trong mối quan hệ giữa Ankara và Moscow.