Đại tá Vũ Khanh: Lập luận vô lý về “đường 9 đoạn” của Trung Quốc

Đại tá Vũ Khanh: Lập luận vô lý về “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ảnh 1Máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật bay qua Vùng ADIZ mà Trung Quốc vừa đơn phương công bố trên biển Hoa Đông. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bài viết “Lập luận vô lý về 'Đường 9 đoạn' của Trung Quốc,” đại tá, thạc sỹ Vũ Khanh, một chuyên gia nghiên cứu quốc tế, đã phân tích, làm rõ vấn đề này.

Đối thoại Shangri-La 2014 diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới, khu vực diễn biến phức tạp. Ở châu Âu, cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine có tác động sâu sắc đến chính trị an ninh thế giới.

Ở châu Á-Thái Bình Dương, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm cả khu vực nhóm đảo đang có tranh chấp với Nhật Bản và chồng lấn lên vùng nhận diện phòng không của Hàn Quốc, đặc biệt tình hình Biển Đông với việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) ở sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã trở thành tâm điểm của Đối thoại, thu hút sự quan tâm của các đại biểu và cộng đồng quốc tế.

Tại Đối thoại, đại diện Trung Quốc đã đọc tham luận với nhan đề “Vai trò của nước lớn trong gìn giữ hòa bình ở khu vực châu Á.” Đáng lưu ý là, trong khi các đại biểu hết sức quan tâm, đặt nhiều câu hỏi về ý nghĩa và cơ sở pháp lý của “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông, thì đại diện đoàn Trung Quốc đã trả lời vòng vo, không nêu được bất kỳ căn cứ pháp lý nào.

Phía Trung Quốc lập luận rằng: “Trung Quốc là nước ký Công ước Luật Biển năm 1982; trong khi năm 1994 Công ước Luật Biển mới có hiệu lực, thì chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các đảo, đá ở Nam Hải (Biển Đông theo cách gọi của Trung Quốc) và vùng biển liên quan được hình thành trong hơn 2.000 năm qua bắt đầu từ đời nhà Hán. Quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Nam Sa (Trường Sa) trong hơn 2.000 năm qua nằm dưới sự quản hạt của Trung Quốc, đều thuộc về Trung Quốc. Do đó, Công ước không thể truy nguyên và phân định lại chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển của các nước do lịch sử hình thành, đồng thời Công ước thừa nhận quyền lợi mang tính lịch sử của các nước đối với biển và đảo, đá.”

Tuy nhiên, phía Trung Quốc cần nhớ rằng những thuật ngữ dùng để nói về yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán chỉ mới xuất hiện khi có Công ước Luật Biển năm 1982. Còn “Đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường chữ U” (U-shaped line) ở Biển Đông được một người vẽ bản đồ tư nhân là Hồ Tấn Tiếp (Hu Jinjie) vẽ lần đầu tiên vào tháng 12 năm 1914.

Các bản đồ của Trung Quốc xuất bản những năm 1920 và 1930 đều dựa trên bản vẽ của Hồ Tấn Tiếp về vùng biển này. Sau đó “đường 9 đoạn” được Bạch Mi Sơ (Bai Meichu) một viên chức thuộc Bộ Địa chất và Khoáng sản Trung Hoa Dân quốc sử dụng lại vào năm 1947. Các vùng phía bên trong của đường này được coi là “vùng nước lịch sử.”

Lập luận về “đường 9 đoạn” là đường “vùng nước lịch sử” của đại diện đoàn Trung Quốc không thuyết phục được cộng đồng quốc tế, vì:

i) Trong tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1958 không có tên “vùng nước lịch sử” hình chữ U ở Biển Đông trong phần liệt kê các vùng nước lịch sử của thế giới;

ii) Công ước Luật biển năm 1982 cũng không đề cập đến “vùng nước lịch sử.” Điều 15 của Công ước chỉ quy định trường hợp phân chia lãnh hải rộng 12 hải lý theo đường cách đều hoặc trung tuyến trừ khi có danh nghĩa lịch sử hoặc hoàn cảnh đặc biệt. Không có bất kỳ một quy định nào viện dẫn danh nghĩa lịch sử cho vùng biển rộng hơn 12 hải lý, càng chưa nói đến việc cách bờ vài trăm hải lý như “đường 9 đoạn”;

iii) Bản thân khái niệm “vùng nước lịch sử” hay “vùng nước lịch sử đặc biệt” cũng mâu thuẫn với các tuyên bố và luật chính thức của Trung Quốc về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa;

iv) “Đường 9 đoạn” là đường vẽ tùy ý, không xuất phát từ đất liền và đảo nên không thể mang lại cho quốc gia yêu sách một vùng biển phù hợp với quy định của Công ước Luật biển năm 1982 cũng như chủ quyền trên các đảo, đá, bãi cạn trong phạm vi đường đó;

v) “Đường 9 đoạn” không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các nước có tranh chấp chủ quyền mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi tự do và an ninh hàng hải, hàng không của các nước ngoài khu vực cũng như của cộng đồng quốc tế.

Phía Trung Quốc còn cho rằng “lâu nay, các quốc gia láng giềng không hề đưa ra chất vấn về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa, quần đảo Tây Sa và vùng biển phụ cận. Chỉ từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi phát hiện nguồn dầu mỏ trữ lượng lớn, các nước mới lên tiếng về biển Nam Hải.”

Vậy sự thật thì như thế nào? Phía Trung Quốc đã dựa vào lập luận của một số học giả Trung Quốc và Đài Loan rằng “đường 9 đoạn” đã được quốc tế công nhận rộng rãi. Theo giải thích của một số học giả Đài Loan, đường này thể hiện yêu sách đối với các đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm trong phạm vi “đường 9 đoạn” từ năm 1946.

Còn một số học giả Trung Quốc lại cho rằng đây là đường biên giới truyền thống trong biển Nam Trung Hoa và Trung Quốc yêu sách không chỉ các địa vật mà cả vùng nước bên trong và kế cận.

Theo họ, trước những năm 1960-1970, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và các nước Đông Nam Á khác đều không đưa ra phản đối “đường 9 đoạn.” Điều đó chứng tỏ các nước này đã mặc nhiên công nhận “đường 9 đoạn” cũng như tính chất lịch sử của nó. Điều đó cũng có nghĩa là các nước này đã công nhận cả bốn quần đảo (Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa) thuộc chủ quyền Trung Quốc!

Đòi hỏi của Trung Quốc hoàn toàn vô lý, trái với Công ước Luật Biển năm 1982 vì Công ước không có quy định về “vùng nước lịch sử.” Vùng biển mà “đường 9 đoạn” trùm lên không thể là vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Trung Quốc, mà là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei.

Cũng với cách tiếp cận như vậy, một số học giả Trung Quốc còn ngụy biện rằng các nước đã có sự hiểu nhầm khi áp dụng Công ước Luật Biển năm 1982; không thể dùng Công ước Luật Biển làm cơ sở xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo và vùng nước phụ cận.

Phía Trung Quốc còn lập luận “đường 9 đoạn” là đường “vùng nước lịch sử đặc biệt,” nghĩa là Trung Quốc có một số quyền lịch sử xác định trong đường đó như một số ưu tiên về hàng hải, đánh cá và khai thác tài nguyên. Vùng chồng lấn giữa đường “vùng nước lịch sử đặc biệt” này của Trung Quốc với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác sẽ tạo ra các vùng tranh chấp khác nhau.

Trung Quốc đã quá tự tin khi khẳng định rằng “đường 9 đoạn” đã được cộng đồng quốc tế công nhận và các quốc gia liên quan không có sự phản đối. Nhưng thực tế cho thấy, Trung Quốc chỉ mới chính thức công bố “đường 9 đoạn” ngày 7/5/2009. Ngay sau khi Malaysia và Việt Nam nộp báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng khu vực phía Nam Biển Đông lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc (UNCLCS), Trung Quốc đã gửi công hàm lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc để phản đối, trong đó có đính kèm bản đồ “đường 9 đoạn.”

Nguồn gốc bản đồ “đường 9 đoạn” này chỉ là một dạng xuất bản tư nhân, chưa kể đến việc bản đồ được vẽ một cách tùy tiện, không tọa độ, không rõ ràng, lúc thì vẽ 11 đoạn, lúc thì vẽ 9 đoạn, không theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế về yêu sách đường biên giới.

Vào thời điểm “đường 9 đoạn” đang được Bộ Nội vụ Trung Hoa Dân quốc in trên bản đồ, năm 1946 Pháp đã đưa tàu và quân ra đóng giữ đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tiếp tục duy trì danh nghĩa chủ quyền kế thừa từ Nhà nước phong kiến An Nam và hoạt động chiếm hữu theo luật quốc tế của Pháp năm 1933. Hoạt động thực tiễn này là sự phản đối hùng hồn ý định yêu sách hai quần đảo bằng cách vẽ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.

Hội nghị San Francisco diễn ra từ ngày 5-8/9/1951, với sự tham gia của 51 quốc gia để thảo luận về vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á-Thái Bình Dương và mở ra quan hệ với Nhật Bản thời hậu chiến. Tại Hội nghị, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu, đại diện Chính phủ Bảo Đại đã long trọng tuyên bố, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam và không có một phản đối nào của Hội nghị về tuyên bố này. Hiệp ước hòa bình San Francisco 1951 cũng không có một từ nào nói tới “đường 9 đoạn”. Ngay cả Tuyên bố của Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1951 về Dự thảo Hiệp ước San Francisco cũng không nhắc gì đến “đường 9 đoạn.”

Vì vậy, không thể nói đã có sự công nhận quốc tế. Hơn nữa, thực tế tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa; tranh chấp chủ quyền giữa 5 nước (Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) và một vùng lãnh thổ (Đài Loan) về chủ quyền quần đảo Trường Sa cho thấy, không thể nói “đường 9 đoạn” trên Biển Đông mà Trung Quốc vạch ra đã được các nước khác công nhận.

Ngay cả những nước không liên quan gì đến tranh chấp chủ quyền cũng thể hiện quan điểm không đồng tình. Mỹ không công nhận bất kỳ vùng biển nào không gắn với đất liền và đảo. Từ ngày 8/7/2010, Indonesia cho lưu chuyển tại Liên hợp quốc công hàm không chấp nhận “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Trong khi ngày 22/1/2013, Philippines đã đệ đơn lên Tòa trọng tài thường trực La Hay (PCA) kiện Trung Quốc về lý giải “đường 9 đoạn.”

Trước lập luận của đại diện Trung Quốc về “đường 9 đoạn,” nhà nghiên cứu Christian Le Miere thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS), cơ quan tổ chức Đối thoại Shangri-La chỉ rõ: “Phần trả lời của đại diện Trung Quốc về “đường chín đoạn” phủ nhận hoàn toàn luật biển quốc tế. Bạn không thể tuyên bố chủ quyền rộng lớn đối với biển, chỉ vì bạn tin rằng bạn có quyền với nó trong lịch sử. Cách nghĩ của Trung Quốc là một mớ bòng bong và làm đảo lộn hệ thống quốc tế. Nó sẽ là một ý tưởng khủng khiếp; một sự so sánh theo kiểu ngụy biện”./.

Theo Vietnam+

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm