Ngày 23-5, ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết đơn vị này đang xúc tiến thực hiện dự án hỗ trợ thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức động vật châu Á (AAF) đã cam kết tài trợ hơn 2,2 triệu đô (trong tổng vốn dự án là hơn 2,4 tỉ đô) để thực hiện dự án, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến 2026.
Đắk Lắk đang thực hiện dự án nhằm chuyển đổi mô hình du lịch sang hướng thân thiện với voi. Ảnh HT |
Theo ông Phước, mục tiêu của dự án là triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi toàn tỉnh; chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi; triển khai nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà; duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà tại Đắk Lắk. Trong đó, chấm dứt hình thức du lịch cưỡi voi, chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngoài ra, dự án còn nhằm hỗ trợ sinh kế cho các tổ chức, cá nhân có voi đang tham gia du lịch khi tham gia mô hình du lịch mới, thân thiện với voi. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cộng đồng về công tác bảo tồn voi.
“Đàn voi nhà được bảo tồn, chăm sóc tốt, đảm bảo phúc lợi, kéo dài tuổi thọ. Việc này nhằm bảo tồn, duy trì sự phát triển của đàn voi nhà. Bên cạnh đó, chủ và nài voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi”- ông Phước thông tin.
Tỉnh Đắk Lắk sẽ chấm dứt hoạt động du lịch cưỡi voi. Ảnh HT |
Dự án sẽ tiến hành hỗ trợ tài chính cho các chủ voi để voi ngừng hoạt động chở du khách và đảm bảo chủ voi không bị ảnh hưởng về kinh tế trong thời gian chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Đồng thời, hỗ trợ nài voi chăm sóc voi; hỗ trợ về chăm sóc, khám chữa bệnh cho voi; quảng bá hình ảnh du lịch thân thiện với voi…
Phía tài trợ đề nghị tỉnh Đắk Lắk ban hành hướng dẫn cụ thể về lộ trình, phương hướng chấm dứt hoạt động du lịch cưỡi voi, bao gồm cả cơ chế tài chính phù hợp với chủ voi; xác định khu chăn thả phù hợp trên địa bàn huyện Lắk để cộng đồng thực hiện mô hình du lịch thân thiện với voi.
AAF còn đề nghị tỉnh Đắk Lắk xem xét, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch ở Buôn Đôn và huyện Lắk để hỗ trợ thực hiện mô hình du lịch mới, đặc biệt khu vực thả voi an toàn trong khu du lịch…
Trao đổi với PV, ông Y Thanh Uông (một chủ voi xã Yang Tao, huyện Lắk) mong muốn có khu chăn thả rộng cho voi trở về với tự nhiên. “Tôi sẽ không bán voi, chỉ cho voi tham gia mô hình thân thiện. Chúng tôi sẽ đi theo chăm sóc voi nên chỉ cần trả công tương xứng là được. Lâu lâu, chúng tôi sẽ đưa voi về thăm nhà và các thành viên trong gia đình”- ông Y Thanh Uông nói.
Theo một chủ voi khác, hiện nay một số gia đình đang hướng đến du lịch voi bằng những hình thức thân thiện hơn, như chụp ảnh với voi trong bộ thổ cẩm, cho voi ăn, tắm cho voi…để du khách có cơ hội tìm hiểu thêm về đời sống người dân Tây Nguyên, thay vì chỉ đến Đắk Lắk để du lịch cưỡi voi.