Đảm bảo nguồn cung hàng hóa, xem xét mở cửa các chợ

Từ 0 giờ ngày 19-7, 19 tỉnh, TP ở khu vực phía Nam sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Trước tình hình đó, ngày 18-7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã cùng chủ trì cuộc họp trực tuyến để tìm giải pháp đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho miền Nam.

Bảo vệ vùng sản xuất để đảm bảo nguồn cung

Tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết trong những ngày qua, giá cả một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam có biến động, tăng nhẹ.

“Nguyên nhân là do thời gian vận chuyển, chi phí vận chuyển từ vùng trồng về các điểm bán hàng tăng đáng kể khi phải qua nhiều chốt kiểm dịch liên tỉnh; chưa kể giá xăng tăng, tỉ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao. Thêm vào đó, chi phí nhân công tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục, chi phí giấy xét nghiệm COVID-19 cho mỗi lần ra vào TP” - ông Đông lý giải.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, thông tin hiện TP.HCM đang thiếu 3 triệu quả trứng/ngày. Ông Phương đề nghị Bộ NN&PTNT cung cấp thông tin về nguồn hàng để Bộ Công Thương làm việc với các chợ đầu mối, từ đó phân phối hàng hóa hợp lý.

Đặc biệt, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM đề nghị bảo vệ vùng sản xuất, không được cấm nông dân ra khỏi nhà vì nếu cấm sẽ gây khó khăn, thiếu nguồn cung nông sản thiết yếu dẫn đến tăng giá. Đồng thời, ông đề nghị lực lượng quản lý thị trường vào cuộc, xử lý các đối tượng mua hàng trong siêu thị rồi đem ra ngoài bán kiếm lời.

Thông tin tại cuộc họp cho biết không chỉ ở TP.HCM, tại Hậu Giang, giá bán các mặt hàng nông sản thiết yếu tại chợ đã tăng 30%-40% trong khi giá thu mua trong dân không tăng. Ở Vĩnh Long và Bến Tre cũng có thời điểm xuất hiện tình trạng hàng hóa khan hiếm cục bộ, do bà con lo ngại nên kéo nhau đi mua nhiều.

Đề nghị không đóng cửa chợ truyền thống, chợ đầu mối

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho hay tỉnh có nguồn lúa gạo lớn, các mặt hàng thủy hải sản phong phú, sẵn sàng cung ứng cho các địa phương trong vùng khi cần thiết. “Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang đã phân cho các doanh nghiệp lớn dự trữ và cung ứng hàng, đảm bảo không bị khan hiếm, tăng giá đột biến” - ông Dũng cho biết.

Đại diện Sở Công Thương các tỉnh như Bình Dương, Hậu Giang, An Giang… đều kiến nghị các bộ thông nút thắt ở khâu vận chuyển. Đơn cử như ở Hậu Giang, dù tài xế có đủ giấy tờ phòng chống dịch nhưng vẫn phải qua nhiều chốt, làm tăng chi phí và dẫn đến giá bán tăng nhưng giá thu mua lại không tăng.

Hay tại An Giang, việc vận chuyển lúa gạo ra khỏi tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đại diện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng lo ngại khi thực hiện Chỉ thị 16, lượng mua của người dân quá lớn dẫn đến không kịp cung ứng. Trong khi đó, một số mặt hàng mà tỉnh không sản xuất được, phải vận chuyển từ tỉnh khác sẽ gặp khó khăn, bị đẩy giá do việc vận chuyển khó khăn.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam, đánh giá 16 tỉnh mới áp dụng Chỉ thị 16 nên tình hình sẽ thay đổi từng giờ. Dự kiến hàng hóa sẽ có nhiều xáo trộn, khan hiếm, giá cả cao.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng cần xác định tính chất thời điểm hiện tại như đang là “thời chiến”. Mấy ngày qua, các chợ đầu mối ở TP.HCM dừng hoạt động làm thiếu hụt hàng hóa cho người dân và cũng gây nguy hiểm cho cả các tỉnh khác do thiếu đầu ra, thiếu nơi cung cấp hàng hóa. Do vậy, ông Hải đề nghị không đóng cửa tất cả chợ đầu mối, chợ truyền thống tại 16 tỉnh mới áp dụng Chỉ thị 16.

Bên cạnh đó, các tỉnh cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, tăng giờ bán tại các siêu thị, tăng các điểm bán hàng lưu động. “Ba khâu thu hoạch, vận chuyển và phân phối phải cùng kích hoạt để thực hiện mới giải quyết được các vướng mắc” - ông Hải nhấn mạnh.

Người dân mua hàng tại siêu thị ở TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tuyệt đối không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng thiết yếu

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương có nguyên liệu cần nắm rõ việc thu hoạch có khó khăn gì để phản hồi lại với Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Từ đó nhằm đưa ra phương án thích hợp. Về vấn đề vận chuyển, doanh nghiệp đang sợ rủi ro nên cần có chính sách thật thông thoáng để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

“Hiện nay, cùng lúc phải tiến hành nhiều trạng thái. Theo đó, có thể chuẩn bị cho chuyển trạng thái từ thị trường tự điều tiết có vai trò của Nhà nước đến Nhà nước tham gia vào vai trò điều phối thị trường nếu kịch bản cung ứng hàng hóa khó khăn hơn nữa” - Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đánh giá diễn biến dịch phức tạp và nghiêm trọng nên việc cung ứng hàng hóa là vấn đề rất quan trọng.

“Trong mọi tình huống, hai ngành công thương - nông nghiệp chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân là không được để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống, thuốc men...” - ông Diên nhấn mạnh.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ trưởng Diên yêu cầu các địa phương khẩn trương đánh giá tình hình nhu cầu hàng hóa chính xác. Trong đó phải kê ra được cái gì đang thiếu, cái gì đang cần và phải xây dựng kịch bản cho những tình huống phức tạp hơn.

Bộ trưởng đồng ý với ý kiến cần duy trì chợ đầu mối, chợ truyền thống kèm theo những biện pháp phòng dịch. Nhưng bên cạnh đó cần phối hợp với các ngành khác như giao thông, y tế để làm tốt lưu thông hàng hóa, điều tiết hợp lý hàng hóa từ nơi dồi dào đến nơi thiếu hụt.

Đối với những vùng trồng rau quả, nuôi trồng đang cung ứng cho các thị trường mà bị đứt gãy, cần báo cáo với tổ công tác của hai bộ để tìm hướng giải quyết. Từ đó phối hợp với Bộ Quốc phòng và trong trường hợp cần thiết, kiến nghị huy động lực lượng quân đội tại chỗ hỗ trợ một số khâu như thu hoạch, phân phối... cho bà con ở vùng nông thôn các tỉnh phía Nam.

Người dân mua hàng tại chợ Ngã Ba Bầu, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12. Ảnh: HOÀNG GIANG

Lập hai tổ công tác đảm bảo cung ứng hàng hóa cho phía Nam

Ngày 18-7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã ký quyết định thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, TP phía Nam trong điều kiện dịch COVID-19. Tổ công tác này sẽ phối hợp với các bên liên quan thúc đẩy sản xuất, thu hoạch nông sản, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nông sản tại các địa phương.

Trước đó, ngày 17-7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã quyết định thành lập tổ công tác tiền phương về đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Chiều cùng ngày, tổ công tác đã có mặt tại TP.HCM để theo dõi, nắm bắt nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Dân tại nhiều địa phương đổ xô đi mua hàng

Ngay khi có thông tin Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giãn cách xã hội, người dân tại TP Cà Mau đã đổ xô đi mua hàng hóa dự trữ. Ghi nhận tại các siêu thị, chợ cho thấy người dân chen chúc đi mua rau củ, thịt, cá. Ở các cửa hàng bách hóa trong toàn TP, khách đông bất thường. Do sức mua tăng cao nên nhiều loại mặt hàng tăng giá đáng kể, nhất là các mặt hàng tươi sống, thực phẩm, rau củ quả.

Tương tự, sau khi UBND tỉnh An Giang thông báo sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với chín huyện, TP, người dân đã đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ. Tại Hậu Giang, Bến Tre, trước giờ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân cũng kéo nhau đi mua hàng hóa thực phẩm, rau củ quả về tích trữ, bất chấp tập trung đông người nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, ngay sau đó lãnh đạo các địa phương đã lên tiếng trấn an nên mọi chuyện ổn định trở lại.TR.V - ĐH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm