Đàm phán Mỹ-Triều Tiên trước khe cửa hẹp

Tình hình Triều Tiên vừa có bước ngoặt đầy bất ngờ từ giới lãnh đạo Mỹ. Phát biểu tại Hội đồng Atlantic ở Washington (Mỹ) ngày 12-12 (giờ địa phương, tức rạng sáng 13-12), Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố: “Mỹ sẵn sàng đàm phán bất cứ lúc nào Triều Tiên muốn và không đặt ra điều kiện trước”. Ông Tillerson nói rõ điều duy nhất Mỹ muốn Triều Tiên đảm bảo cho cuộc đàm phán diễn ra tốt đẹp là phải có “một giai đoạn yên lặng”. Nghĩa là phía Triều Tiên không thử tên lửa, hạt nhân trong quá trình diễn ra đàm phán.

Mở cánh cửa đàm phán

Theo ông Tillerson, bỏ điều kiện đòi Triều Tiên chấp nhận giải trừ hạt nhân mới đàm phán là một ý tưởng thực tế. Ông cũng cho rằng việc Triều Tiên đã đầu tư quá nhiều vào vũ khí hạt nhân khiến điều kiện đòi giải giáp hạt nhân mới đàm phán trở thành phi thực tế. Ngoại trưởng Mỹ cũng lạc quan rằng các nỗ lực ngoại giao có thể giúp Mỹ đạt được mục tiêu sau cùng là giải trừ vũ khí hạt nhân toàn diện trên bán đảo Triều Tiên.

Đàm phán vô điều kiện là sự thay đổi lớn trong quan điểm của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ với Triều Tiên. Phía Washington lâu nay vẫn khăng khăng chỉ ngồi vào bàn đàm phán một khi Triều Tiên sẵn sàng giải trừ hạt nhân. Ông Tillerson cũng tin tưởng đề xuất sẽ không gặp khó khăn gì với Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng nhà lãnh đạo “cũng rất thực tế về việc này”.

Không chỉ Mỹ mà Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng có thái độ mềm dẻo với Triều Tiên. Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị Jeffrey Feltman vừa trở về sau chuyến thăm Triều Tiên bốn ngày tuần trước. Ông là quan chức cấp cao nhất của LHQ đến Triều Tiên kể từ năm 2011.

Nói với báo chí sau cuộc họp kín Hội đồng Bảo an (HĐBA) bàn về chuyến thăm Triều Tiên của mình, ông Feltman cho biết tại Triều Tiên ông đã “để hé cánh cửa” đàm phán, cho biết đã đề nghị Triều Tiên suy nghĩ nghiêm túc và có thái độ tích cực hướng đến đàm phán, chẳng hạn như khởi động bàn bạc về khả năng đối thoại, mở các kênh liên lạc mà điển hình là đường dây nóng quân sự. Các biện pháp này sẽ giúp giảm rủi ro, thể hiện thiện chí, ngăn chặn hiểu lầm và quản lý nguy cơ khủng hoảng.

Trong khi những nỗ lực ngoại giao được thúc đẩy, hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên vẫn giữ lập trường cứng rắn. Ảnh: CNN

Theo ông Feltman, phía Triều Tiên đã có thái độ nghiêm túc dù chưa có bất kỳ đề nghị, cam kết gì cụ thể. Các quan chức Triều Tiên gồm Phó Thủ tướng Triều Tiên Pak Myong Guk và Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho cũng khẳng định “điều quan trọng” hiện nay là phải “ngăn chặn chiến tranh”. Ông Feltman cho biết cả hai bên đều nhận thức rõ bán đảo Triều Tiên “là điểm nóng căng thẳng và nguy hiểm nhất với hòa bình và an ninh thế giới hiện nay”. Phía Triều Tiên đồng ý chuyến thăm của ông Feltman “là bước khởi đầu” cho các đối thoại tương lai.

Khe cửa hẹp

Thế nhưng nếu như ông Feltman mô tả khả năng nối lại đàm phán hạt nhân Triều Tiên như cánh cửa được “để hé” thì hẳn đó là một khe cửa hẹp.

Dù ông Tillerson lạc quan về khả năng Mỹ chủ động mở đường đàm phán, cũng đã không ít lần Tổng thống Trump thể hiện quan điểm cứng rắn ngược lại với Ngoại trưởng Mỹ. Vài tháng trước khi ông Tillerson nói Mỹ để mở khả năng đối thoại với Triều Tiên, ông Trump từng công khai cảnh báo ông Tillerson đừng lãng phí thời gian tìm kiếm đối thoại. Nhà Trắng ngày 12-12 cũng nói Tổng thống Trump không thay đổi quan điểm về Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Heather Nauert tối 12-12 cũng tuyên bố tương tự.

Phía nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng giữ chủ trương cứng rắn không kém. Ngày 12-12, ông đã ra tuyên bố Triều Tiên sẽ phát triển thêm vũ khí hạt nhân. Hãng thông tấn xã trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời ông Kim cho biết: “Các nhà khoa học và công nhân sẽ tiếp tục phát triển vũ khí, thiết bị tiên tiến nhằm tăng cường sức mạnh hạt nhân cả về số lượng và chất lượng”.

Cùng đà phát triển nhanh của các chương trình vũ khí Triều Tiên, các đe dọa qua lại giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên thời gian qua khiến căng thẳng tăng cao đến mức nguy hiểm. Trong năm nay, Triều Tiên đã một lần thử hạt nhân và có hàng loạt vụ thử tên lửa, trong đó có ba vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Triều Tiên ngày 29-11 đã thử ICBM thế hệ mới nhất Hwasong-15 đủ sức vươn đến Washington D.C. 

Phát biểu tại một hội nghị của tổ chức Trao đổi Chính sách (Anh) ngày 12-12, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster vẫn ủng hộ biện pháp cô lập Triều Tiên, tiếp tục kêu gọi cộng đồng thế giới cùng trừng phạt Triều Tiên.

Ông tuyên bố Mỹ sẽ nhắm vào các công ty làm ăn trái phép với Triều Tiên, các công ty vận tải biển buôn lậu dầu sang Triều Tiên và tiếp tục đẩy áp lực lên Trung Quốc để kiềm chế Triều Tiên. Theo ông McMaster, “thời gian đang hết dần” và “lúc này là cơ hội cuối cùng và tốt nhất để ngăn chặn xung đột Triều Tiên”.

____________________________

Hãy chỉ gặp nhau và chúng ta có thể nói về thời tiết nếu quý vị muốn, có thể bàn liệu nên thương lượng với bàn vuông hay bàn tròn nếu đó là điều quý vị quan tâm. Liệu chúng ta ít nhất có thể cùng ngồi xuống và mặt đối mặt, bắt đầu phác thảo lộ trình điều chúng ta có thể mong muốn cùng làm việc sắp tới?

Ông REX TILLERSON, Ngoại trưởng Mỹ, nói về khả năng đàm phán với Triều Tiên

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm